Header ads

Header ads
» » [Khoa học] Nguồn gốc của chứng sợ lỗ trypophobia

Bức ảnh trên có làm bạn nổi da gà? Nếu có thì cũng đừng lo vì thế giới có 15% dân số loài người (18% nữ, 11% nam) cũng cảm thấy khó chịu khi thấy các đám lỗ hoặc u bướu và theo các nhà khoa học thì đây gọi là trypophobia. Sau nhiều nghiên cứu, cuối cùng các nhà khoa học đã xác định được nguồn gốc của nỗi sợ này và hóa ra, nó không chỉ là một chứng bệnh tâm lý mà còn bắt nguồn từ bản chất sinh học, di truyền của con người trước những cấu trúc có độ tương phản khác lạ so với thứ khác trong tự nhiên.

Hồi năm 2013, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Khoa học Thần Kinh đã nói về cảm giác của người bệnh khi đối mặt với các hình ảnh đầy lỗ hoặc lô nhô như tổ ong, cụm bóng xà phòng: "Thật sự là bệnh nhân không thể đối mặt với các vật nhỏ, không đều, các cụm lỗ bất đối xứng,... Khi đó có người tỏ ra không thích, có người hét lên, khóc lóc,..."

Mặc dù trypophobia được gọi là " nỗi sợ những cái lỗ" nhưng khi đào sâu nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện rằng nó không chỉ là một nỗi sợ hãi và nỗi sợ đó không chỉ đối với những cái lỗ trống. Nỗi ám ảnh này thậm chí không được công nhận bởi cộng đồng tâm lý học bởi nó không thỏa mãn định nghĩa của một loại ám ảnh.

Arnold Wilkins, một nhà nghiên cứu tại Đại học Essex khẳng định: "trypophobia là một dạng ghê tởm hơn là nỗi sợ và do đó, nó là một dạng phản ứng tổng hợp thái quá trước các yếu tố có thể gây nguy hiểm. Sự ghê tởm này phát sinh từ những cụm vật thể nào đó và các vật thể này không nhất thiết phải có lỗ. Khi những người với chứng trypophobia trong người nhìn vào những hình ảnh ghê tởm, nhịp tim sẽ tăng lên, hỗn loạn hơn và hoạt động tại phần nào não xử lý thị giác sẽ tăng cao."

Wilkins và đồng nghiệp của ông là Geoff Cole đã công bố một nghiên cứu về trypophobia hồi năm 2013 với giả thuyết rằng nguyên nhân sâu xa của nỗi ghê sợ này bắt nguồn từ cơ chế sinh học. Theo đó, con người đã phát triển để lo sợ trước những cơ cấu có thể gây nguy hiểm trong tự nhiên. Để xác định hiệu ứng này, các nhà nghiên cứu đã phân tích hình ảnh trên trang web trypophobia, bao gồm cả những hình ảnh có lỗ nhưng không kích hoạt trypophobia để tìm kiếm sự khác biệt.

Kết quả? Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng có thể nỗi sợ này bắt nguồn từ sự tiến hóa, giúp con người tránh xa những loài động vật nguy hiểm bởi lẽ trên người chúng đều có chung các hình dạng kích ứng trypophobia. Mặt khác, nhóm còn phát hiện rằng độ tương phản đặc biệt của một số hình ảnh sẽ khiến nó kích ứng trypophobia. Bằng cách này, họ có thể sẽ tìm được cách hạn chế và thậm chí là điều trị trypophobia trong tương lai.

trypophobia_tinhte_2.
Hình ảnh con bạch tuộc đốm xanh với chất độc chết người

Trong quá trình phân tích, phỏng vấn các tình nguyện viên được cho là bị trypophobia, họ phát hiện rằng một số người cảm thấy sợ hãi trước một con bạch tuộc đốm xanh và từ đó, họ nhận thấy rằng nỗi sợ này là một hành vi có được từ tiến hóa, giúp con người tự sợ hãi và tránh xa các con vật có khả năng độc hại, nguy hiểm.

Để kiểm chứng lại giả thuyết trên, nhóm tiếp tục thu thập 10 bức ảnh của các loài độc tính hàng đầu thế giới để phân tích, bao gồm sứa hộp, nhện lang thang Brazil, bò cạp deathstalker, rắn hổ mang chúa, cá nóc, cá mặt quỷ, ốc cối có vằn,... và một số loài khác.

trypophobia_tinhte_3.
Một con cá nóc với độc tính chết người

trypophobia_tinhte_5.
Một con ếch độc và cái tên đã nói lên tất cả

trypophobia_tinhte_1.
Cú chích từ con ốc cối có vằn này có thể gây tử vong cho con người

Qua phân tích mô hình của các loài động vật này, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng các loài độc thường có những cấu trúc hình ảnh tương tự nhau và chúng đều kích thích trypophobia. Các hình mẫu này đã tạo áp lực lên con người để họ tránh khỏi nguy hiểm.

Nhà nghiên cứu Cole cho biết: "Có một kết quả tiến hóa cổ xưa nằm trong não chúng ta, nói với chúng ta rằng con vật trước mắt là có độc." Sự ghê tởm mà chúng ta cảm nhận được có thể cho chúng ta một lợi thế tiến hóa, thậm chí nếu chúng ta không ý thức được nó nhưng rõ ràng, chúng ta sẽ tránh xa thứ mà chúng ta ghê tởm. Do đó, Cole cho rằng "Mỗi người đều có xu hướng trypophobic mặc dù họ không nhận thấy. Chúng tôi phát hiện rằng nhiều người không mắc trypophobic nhưng vẫn tỏ ra kém thoải mái khi xem các bức ảnh trypophobic so với các bức ảnh khác."

Trong nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành quan sát một sinh viên của họ là An Trong Dinh Le, người mắc chứng trypophobia dữ dội. Và bằng nhiều thử nghiệm tâm lý học, nhóm đã phát triển biện pháp đo lường phản ứng của người mắc trypophobia trước những hình ảnh ghê sợ, từ đó tìm cách hạn chế nó. Cụ thể, họ đã phân tích kỹ lưỡng các bức ảnh để tìm ra đặc tính nào của bức ảnh khiến người ta khó chịu.

Kết quả, họ phát hiện những hình ảnh kích ứng trypophobia chứa nhiều đặc điểm khác so với những thứ khác trong tự nhiên, vốn có độ tương phản tổng quát cao (nhiều sự khác biệt về độ sáng giữa các chi tiết lớn) nhưng độ tương phản chi tiết thấp (không có nhiều khác biệt về độ sáng giữa những chi tiết nhỏ). Khi hình ảnh không có đặc điểm tự nhiên này, chúng thường sẽ gây sự khó chịu khi nhìn. Ví dụ bên dưới là 2 bức ảnh đã được điều chỉnh độ tương phản.
trypophobia_tinhte_4.
Bức ảnh bên trái đã lọc bớt độ tương phản và bên phải là ảnh gốc vốn dễ kích ứng trypophobia hơn.

Tuy nhiên, nhóm cho biết rằng vấn đề độ tương phản chỉ là một phần của nguyên nhân bởi lẽ trong tự nhiên cũng còn nhiều hình ảnh khác, cũng có các cấu trúc lặp lại, độ tương phản trái với tự nhiên nhưng lại không kích ứng trypophobia mà điển hình là các sọc trong thang cuốn. Cuối cùng, mặc dù nguồn gốc của chứng trypophobia vẫn chưa được giải quyết triệt để nhưng bằng các nghiên cứu trên đây, chúng ta cũng phần nào hiểu được bản chất bên trong của hiệu ứng này, từ đó giảm thiểu tác động xấu của nó đối với cuộc sống chúng ta.

 

About Học viện đào tạo trực tuyến

Xinh chào bạn. Tôi là Đinh Anh Tuấn - Thạc sĩ CNTT. Email: dinhanhtuan68@gmail.com .
- Nhận đào tạo trực tuyến lập trình dành cho nhà quản lý, kế toán bằng Foxpro, Access 2010, Excel, Macro Excel, Macro Word, chứng chỉ MOS cao cấp, IC3, tiếng anh, phần mềm, phần cứng .
- Nhận thiết kế phần mềm quản lý, Web, Web ứng dụng, quản lý, bán hàng,... Nhận Thiết kế bài giảng điện tử, số hóa tài liệu...
HỌC VIỆN ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN:TẬN TÂM-CHẤT LƯỢNG.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn