Microsoft đang tiến hành giải quyết một vụ kiện do chính các cổ đông của công ty đệ đơn kiện cựu giám đốc điều hành Steve Ballmer và chủ tịch Bill Gates hồi năm ngoái. Vụ việc phát sinh từ một vụ kiện vào năm 2013 với mức bồi thường lên đến 732 triệu USD do các nhà lập pháp chống độc quyền tại EU yêu cầu đối với Microsoft liên quan đến trình duyệt Internet Explorer.
Là một phần của thủ tục giàn xếp, Microsoft sẽ trích ra 42,5 triệu đô để gây quỹ thành lập bộ phận giám sát và chấp hành các thỏa thuận chống độc quyền trong vòng 5 năm tới đồng thời chi trả 7,3 triệu đô cho các luật sư bên nguyên đơn.
Nguồn gốc của vụ kiện:
Vào năm 2012, Microsoft phát hành bản cập nhật dịch vụ Service Pack 1 (SP1) cho Windows 7 nhưng "quên" tích hợp một màn hình tùy chọn trình duyệt cho người dùng tại châu Âu. Màn hình này được gọi là ballot screen và nó chứa đường link dẫn đến trang tải về của các trình duyệt đối thủ như Google Chrome, Mozilla Firefox và Opera Browser. Ngay sau khi giới chức tại EU nhận được thông tin về sai sót của Microsoft, họ ngay lập tức phát hiện ra Microsoft đang làm trái với một thỏa thuận đã ký trước đó vào năm 2009 về việc cung cấp tùy chọn trình duyệt khác cho người dùng châu Âu. Microsoft đã nhận ra sai sót và đưa ra lời xin lỗi nhưng đồng thời hãng không xem đây là một vấn đề quá nghiêm trọng, chỉ là một "lỗi kỹ thuật" và đổ lỗi cho một nhóm các kỹ sư phần mềm làm việc tắc trách.
Dĩ nhiên, các nhà lập pháp tại EU không hài lòng với câu trả lời của Microsoft và đòi bồi thường 732 triệu đô vào tháng 3 năm 2013. Joaquin Almunia - một quan chức cấp cao thuộc cơ quan chống độc quyền tại Ủy ban châu Âu (EC) nói rằng: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy một trường hợp phá vỡ cam kết pháp lý. Dĩ nhiên điều này rất nghiêm trọng dù có cố ý hay không".
Thỏa thuận chống độc quyền trình duyệt được Microsoft và EU ký kết vào năm 2009 với chất xúc tác là công ty phát triển trình duyệt nổi tiếng của Na Uy - Opera Software. 2 năm trước đó, Opera đã cáo buộc Microsoft dùng mánh khóe thâu tóm thị phần trình duyệt khi tích hợp sẵn Internet Explorer (IE) trên hệ điều hành Windows. Sau nhiều lần chạm trán mặt đối mặt, ăn miếng trả miếng, kể cả việc Microsoft từng dọa sẽ hoãn phát hành Windows 7, rốt cuộc thì gã khổng lồ phần mềm đã đồng ý tích hợp một màn hình tùy chọn trình duyệt trên Windows cho người dùng châu Âu (hình trên).
Tuy nhiên trong vòng 14 tháng từ tháng 5/2011 đến tháng 7/2012, các bản sao Windows 7 SP1 được cài đặt trên máy tính tại châu Âu vẫn không hiển thị màn hình tùy chọn trình duyệt này. Việc không tuân theo thỏa thuận dẫn đến bị phạt hơn 700 triệu đô được quy trách nhiệm cho ban điều hành Microsoft vào năm 2012. Lúc đó Steve Ballmer đã bị cắt giảm tiền thưởng và Steven Sinofsky - lãnh đạo mảng Windows lúc bấy giờ của Microsoft cũng chịu chung số phận.
Thỏa thuận giữa Microsoft và EU hết hạn vào tháng 12 năm 2014 và kể từ đây Microsoft đã ngưng hiển thị màn hình tùy chọn trình duyệt cho người dùng. Windows 10 được phát hành sau thời điểm này, do đó chúng ta cũng không thấy một màn hình nào tương tự.
Vào tháng 4 năm 2014, 2 cổ đông của Microsoft là Kim Barovic và Stephen DiPhilipo đã đệ đơn lên tòa án liên bang tại Seattle, Washington kiện cựu CEO, ban điều hành và các lãnh đạo cấp cao của công ty vì khoảng tiền phạt 732 triệu đô. Luật sư của Barovic cáo buộc: "Hành động của họ (Steve Ballmer, ban điều hành trong đó có cả Bill Gates và các cá nhân liên quan) đã khiến công ty bị thiệt hại ít nhất 732,2 triệu đô."
Barovic và DiPhilipo đã đệ đơn lên tòa sau khi họ yêu cầu ban điều hành của Microsoft "điều tra và đề xuất trách nhiệm đối với các giám đốc/nhân viên điều hành đang tại chức hoặc đã nghỉ" nhưng bị từ chối.
Một mặt để giàn xếp vụ kiện giữa Barovic và DiPhilipo, mặt khác đưa ra ra hành động đối với các cá nhân của Microsoft bị cáo buộc liên quan, Microsoft cần phải thuê một chuyên viên chấp hành chống độc quyền (Antitrust Compliance Officer - ACO) và người này sẽ thành lập một bộ phận giám sát hoạt động giàn xếp hiện tại và các vấn đề chống độc quyền trong tương lai giữa công ty với Hoa Kỳ hoặc EU. Ngoài ra, bộ phận này cũng theo dõi mọi cáo buộc chống độc quyền và quản lý đào tạo cho các bộ phận khác trong công ty thực hiện các thỏa thuận chống độc quyền. ACO cũng được phép phát động điều tra nội bộ nếu hoạt động chống độc quyền bị coi nhẹ hay vi phạm.
Theo: Computerworld