Header ads

Header ads
» » Công nghệ TV năm 2016 có gì hot? Sony thì HDR, LG là OLED, Samsung là cong, Ultra HD Premium

Tại triển lãm CES 2016, chúng ta đã thấy nhiều công nghệ TV mới được ra mắt, nhiều tới mức không nắm hết được nên trong bài này mình sẽ tổng hợp lại hết cho anh em dễ theo dõi. Dễ thấy rằng mỗi hãng TV lớn đều theo đuổi một công nghệ chủ chốt trong năm nay: Sony thì nói nhiều về HDR, LG thì tập trung đẩy mạnh các sản phẩm OLED trong khi Samsung thì tiếp tục ra mắt những chiếc TV màn hình cong. Ngoài ra, có một thứ đáng chú ý sẽ ảnh hưởng đến anh em khi đi mua TV: chứng nhận Ultra HD Premium. Chứng nhận này giúp anh em biết rằng chiếc TV sắp mua sẽ đạt được những chỉ tiêu nhất định về độ phân giải, độ sáng, độ đen và màu sắc.

Sony: tất cả đều quy về HDR

Nguyên dòng TV mới của Sony trong năm 2016 đều hỗ trợ tính năng HDR, tức là tăng độ tương phản động lên giúp bạn xem rõ các những chi tiết ở cả vùng sáng lẫn vùng tối. Hiện tại có 3 series, bao gồm Sony XBR-X940D (cao cấp nhất), sau đó đến XBR-X930D và Sony XBR-X850D, mỗi series lại có nhiều kích thước màn hình khác nhau cho bạn lựa.

Xem thêm: Trên tay TV 4K HDR của Sony ở CES 2016

Sony_CES_2016_HDR.

Trong số đó, chiếc TV flagship mạnh mẽ nhất là model X940D 75" với hệ thống đèn nền LED theo kiểu full-array. Công nghệ này dùng một mảng các bóng đèn LED nằm ở mặt sau của tấm LCD để chiếu sáng, và điểm đáng chú ý là TV Sony có thể tắt bật từng mảng một khi cần thiết chứ không phải tắt hay mở hết mọi bóng LED cùng lúc ( local dimming). Bằng cách này, những khu vực đen sẽ cho ra màu đen đậm hơn, không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng quần sáng (halo) của đèn LED. Công nghệ Slim Backlight Drive trên model 55" và 65" cũng giúp giảm độ mỏng của hệ thống đèn, từ đó giảm độ mỏng cho TV.

Dòng X850D thì không có hệ thống chiếu sáng mới nói trên, tuy nhiên người dùng có thêm lựa chọn 85" ngoài kích cỡ 55", 65" và 75".

Đáng chú ý, cả X940D, X930D và X850D đều sở hữu công nghệ Triluminos. Đây thực chất là công nghệ chấm lượng tử của Sony giúp tăng cường độ chính xác của màu sắc và tăng dải tương phản động (HDR) cho TV. Bằng cách này, cảm giác xem sẽ tốt hơn, và trong những cảnh phim tối thì bạn cũng sẽ thấy rõ hơn những chi tiết nhân vật chứ không phải là một mảng xám xám mờ mờ như ở nhiều TV bình thường.

Một vài công nghệ khác trên những dòng TV mới của Sony vao gồm vi xử lý Sony X1 để đảm đương hình ảnh 4K và hệ điều hành Android TV. Chúng cũng sẽ sớm được nâng cấp lên Android 6.0 Marshmallow. Sony chưa nhắc tới chứng nhận Ultra HD Premium nhưng nhiều khả năng sản phẩm của họ cũng sẽ được dán tem này (xem giải thích chi tiết ở ngay bên dưới, phần nói về LG).

Sony_BMD.

Chưa hết, Sony còn tiết lộ thêm rằng hãng đang phát triển công nghệ Backlight Master Drive (BMD) với hàng nghìn khu vực đèn nền có khả năng bật tắt độc lập. Đây là câu trả lời của Sony với màn hình OLED vì BMD có khả năng tạo ra hình ảnh với độ đen gần như bằng 0, còn độ sáng tối đa có thể đạt tới mức 4000 nit. Hiện tại, TV LCD có thể đạt độ sáng cao nhất khoảng 1000 nit, OLED là khoảng 500-700 nit. Ở CES 2016, CEO của Sony có nói thêm rằng hãng tạo ra BMD là vì hầu hết người dùng hiện nay vẫn đang coi TV trong một căn phòng bật đèn sáng, và độ sáng của màn hình không cao sẽ khiến hình ảnh nhìn chán hơn, nhạt màu hơn và độ tương phản không cao.

Những chiếc TV BMD đầu tiên sẽ không ra mắt trong năm nay mà sớm nhất phải là 1-2 năm nữa.

LG: tất cả đều xoay quanh OLED

Trong buổi ra mắt ở CES 2016, LG toàn nói về các sản phẩm OLED của mình và chiếc TV chủ lực, mạnh mẽ nhất, đắt tiền nhất của công ty cũng dùng công nghệ OLED. Những sản phẩm đó cũng có một thân hình mỏng dính, lý do là bởi OLED không cần xài đèn nền riêng như là LCD vì bản thân tấm nền đã có khả năng tự phát sáng khi áp dòng điện vào. Hầu hết những sản phẩm TV mới của LG cũng có độ phân giải 4K và chỉ có 1 model C6 là dùng màn hình cong.

Xem thêm: Trên tay LG Signature TV: 65", 77", dòng G6, OLED, 4K, HDR, thiết kế sang trọng, đế xoay được

TV_LG_OLED_2016_2.

Đáng chú ý, LG năm nay cho biết các TV cao cấp của hãng sẽ được dán tem chứng nhận Ultra HD Premium. Tem này do hiệp hội Ultra HD cấp, theo đó sản phẩm muốn được chứng nhận cần đạt những tiêu chuẩn như sau:
  1. Độ phân giải thấp nhất phải là 3840 x 2160 pixel
  2. Độ sâu màu phải là 10-bit: tức là số lượng màu mà tín hiệu video có thể chứa. Để bạn so sánh thì đĩa Blu-ray dùng màu 8-bit, tương đương với khoảng 16 triệu màu riêng biệt nhau. Trong khi đó, màu 10-bit thì sẽ tương đương với hơn 1 tỉ màu riêng biệt.
  3. Đạt 90% không gian màu P3: số này càng cao thì màu càng chính xác
  4. Dải tương phản động:
    • Lựa chọn 1: độ sáng tối đa cao hơn 1000 nit và độ đen ít hơn 0,05 nit
    • Lựa chọn 2: độ sáng tối đa cao hơn 540 nit và độ đen bình thường ít hơn 0,0005 nit
Vì sao lại có 2 lựa chọn, một cái chấp nhận độ sáng thật cao và độ đen ít hơn, một cái thì cho phép độ sáng không cao bằng nhưng độ đen phải thật đen? Đó là vì sự khác biệt giữa công nghệ LCD và OLED, trong đó LCD có khả năng sáng hơn nhưng không đen bằng, OLED thì không sáng bằng nhưng đen đậm hơn.

Ultra_HD_Premium.

Quay trở lại với TV LG, model G6 và E6 sẽ là hai dòng cao cấp nhất với thiết kế tấm nền đặt trên một tấm kính nhìn rất đẹp và sang trọng. Mình đã thấy được chiếc G6 ở CES 2016 và nó thuộc dòng LG Singature, nhìn vào mê ngay. Cả hai dòng nói trên cũng có loa Harman Kardon hướng về phía trước.

TV_LG_OLED_2016.

LG cũng giới thiệu chiếc TV 8K của mình. Model LG 98UH9800 có màn hình 98" độ phân giải 7680 x 4320, tức là tương đương với 33,2 triệu điểm ảnh, thật là kinh khủng. Ngay cả ở tấm nền to như vậy mà hình ảnh vẫn vô cùng sắc nét. Màn hình này không là OLED, chỉ dùng LCD nhưng LG vẫn hứa hẹn nó vẫn có đủ các công nghệ liên quan đến HDR. Đây cũng là chiếc TV đầu tiên hỗ trợ chuẩn Super MHL với khả năng truyền video 8K tốc độ 120fps.

Samsung: ố ồ đường cong em đó

Không bất ngờ khi Samsung tiếp tục giữ công nghệ cong cho những chiếc TV đời mới của mình. Mẫu cao cấp nhất là KS9500 SUHD cũng dùng màn hình cong, ngoài ra còn có tấm lọc sử dụng chấm lượng tử gần giống như Sony nhằm tăng khả năng hiển thị màu sắc. Samsung hiện vẫn còn theo đuổi LCD chứ chưa nhấn mạnh và OLED như người hàng xóm LG.

Samsung_TV_2016_cong.

Chiếc KS9500 có khả năng hiển thị hình ảnh với độ sâu màu 10-bit, độ tương phản cao, hỗ trợ HDR và độ sáng là 1000 nit. Nếu như bạn nghe quen quen thì đúng rồi đó, những TV cao cấp của Samsung năm nay sẽ được dán tam Ultra HD Premium. Ngoài ra chúng còn có thiết kế viền siêu mỏng để tăng trải nghiệm hòa nhập khi xem.

Xem thêm: Trên tay Samsung KS9500 SUHD TV: chấm lượng tử, HDR, Cong

Samsung cũng có giới thiệu công nghệ Ultra Black cho dòng TV cong của mình. Công nghệ này có khả năng hấp thụ ánh sáng tự nhiên giống như cách mà mắt của của một con ngài nhìn trong bóng tối. Nhờ Ultra Black, TV của hãng sẽ giảm được sự phản chiếu của đèn trong phòng, giảm luôn cả hiệu tượng chói do những nguồn sáng khác.

3586427_Samsung_CES2016-25.

Cuối cùng, Samsung muốn biết TV của họ thành một cái hub để điều khiển ngôi nhà thông minh. Với những TV cong, người dùng sẽ được tặng một cái adapter, adapter này cho phép tương tác với hơn 200 sản phẩm "Smart Things" của Samsung, từ máy lạnh, tủ lạnh cho đến robot hút bụi. Những model TV khác thì không được tặng mà phải mua cục adapter nói trên.

Panasonic: Ultra HD Premium

Panasonic thì tập trung nói nhiều đến việc TV năm 2016 của hãng sẽ được chứng nhận Ultra HD Premium. Dòng DX900 mới của họ mặc dù dùng tấm nền LCD nhưng vẫn đảm bảo được độ đen, độ tương phản đúng theo yêu cầu nhờ vào cấu trúc đèn nền theo kiểu tổ ong (Honeycomb). Cấu trúc này sẽ cô lập từng vùng local dimming, đảm bảo rằng ánh sáng của vùng này không bị lọt vào vùng khác vốn đang ở trạng thái tắt để tăng độ đen. Hiệu ứng quần sáng mờ mờ này còn được gọi bằng cái tên "halo effect".

Panasonic_4K_2016.

Panasonic cũng hứa hẹn những TV mới của họ có thể đạt đến 1000 nit độ sáng tối đa, tức là đủ để dán tem Ultra HD Premium. Đáng chú ý, sản phẩm của Panasonic sẽ chạy trên hệ điều hành Firefox OS. Anh em có thể xem thêm về cách hoạt động của nền tảng này trên TV ở bài viết [CES 2015] Giao diện Firefox OS trên TV Panasonic | Tinhte.vn.

Philips: tiếp tục phát huy đèn LED sau lưng TV

Philips thì nổi tiếng với công nghệ Ambilight. Công nghệ này sẽ dùng đèn LED hoặc máy chiếu pico ở mặt lưng của TV và chiếu đèn lên bức tường phía sau tạo ra cảm giác hình ảnh rộng hơn, hòa nhập hơn với môi trường. Hiện tại chiếc TV Ambilight cao cấp nhất đang là Philips 8901 AmbiLux và nó xài máy chiếu pico để đem lại hiệu quả cao hơn. Viền màn hình cũng được thiết kế mỏng để tăng trải nghiệm người dùng.

Philips cũng đang làm việc với Technicolor để phát triển công nghệ HDR của riêng mình, chưa nghe công ty nói gì về việc dán tem Ultra HD Premium. Hiện Technicolor vẫn đang được phát triển và bản demo đầu tiên sẽ được ra mắt vào mùa xuân năm nay, tức là khoảng tháng 3 trở đi.

Tham khảo: Techradar, Tinh tế, Sony, Samsung, LG
 

About Học viện đào tạo trực tuyến

Xinh chào bạn. Tôi là Đinh Anh Tuấn - Thạc sĩ CNTT. Email: dinhanhtuan68@gmail.com .
- Nhận đào tạo trực tuyến lập trình dành cho nhà quản lý, kế toán bằng Foxpro, Access 2010, Excel, Macro Excel, Macro Word, chứng chỉ MOS cao cấp, IC3, tiếng anh, phần mềm, phần cứng .
- Nhận thiết kế phần mềm quản lý, Web, Web ứng dụng, quản lý, bán hàng,... Nhận Thiết kế bài giảng điện tử, số hóa tài liệu...
HỌC VIỆN ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN:TẬN TÂM-CHẤT LƯỢNG.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn