Với diện tích 180.000 mét vuông, sử dụng 50.000 tấm pin quang điện, cánh đồng năng lượng Mặt Trời nổi lớn nhất thế giới mà Nhật Bản vừa khởi công xây dựng sẽ đạt công suất 13.7MW, cung cấp điện cho hơn 5000 hộ gia đình khi nó hoàn thành vào đầu năm 2018.
Dự án được lên kế hoạch từ cách đây 1 năm và hiện nó đã chính thức khởi công xây dựng bởi tập đoàn điện tử đa quốc gia Kyocera (Nhật Bản). Công trình sẽ được xây dựng trên mặt hồ chứa của con đập Yamakura, nằm ở quận Chiba, phía đông thành phố Tokyo, Nhật Bản. Trước đây Kyocera cũng đã xây dựng 3 cánh đồng năng lượng Mặt Trời nổi tại Nhật nhưng với quy mô nhỏ hơn.
Từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima vào năm 2011, Nhật đã bắt đầu xây dựng một số cánh đồng năng lượng Mặt Trời nổi nhưng với quy mô nhỏ hơn lần này nhằm tìm tới một nguồn điện thân thiện với môi trường, đồng thời hạn chế phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên hóa thạch, từ đó, cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Được biết tại Anh hồi năm ngoái, tập đoàn United Utilities cũng đã khởi công xây dựng một cánh đồng năng lượng Mặt Trời nổi tại hồ chứa Greater Manchester. Đây cũng là cánh đồng lớn nhất châu Âu khi nó hoàn thành nhưng so với cánh đồng Yamakura thì nó có quy mô nhỏ hơn, chỉ rộng 45.000 mét vuông và sử dụng 12.000 tấm quang điện.
Theo một chuyên gia về năng lượng Mặt Trời thì việc xây dựng cánh đồng năng lượng trên mặt nước là phù hợp với tình hình tại Nhật Bản do diện tích đất tại nước này là khá giới hạn, nhưng đối với một số nước khác thì phương án xây dựng tại các thành phố công nghiệp sẽ có chi phí rẻ hơn. Ông cho biết thêm rằng thách thức lớn nhất của các dự án cánh đồng năng lượng Mặt Trời trên mặt nước chính là giữ cho hệ thống dây dẫn tránh xa nước và tìm cách đặt các inverter trên các cấu trúc nổi: "tôi luôn nói rằng nước và điện là 2 thứ không thể trộn lẫn vào nhau."
Tham khảo Inhabitat, Theguardian