lockquote class="messageText SelectQuoteContainer ugc baseHtml"> Khi mới được giới thiệu cách đây 4 năm, trợ lý ảo Siri đã được cả thế giới công nghệ ca ngợi như một sự cách mạng về công nghệ điều khiển bằng giọng nói. Tuy nhiên, vài năm sau thì những công ty lớn nhỏ đều đã đầu tư phát triển những công nghệ trợ lý ảo tiên tiến hơn, thông minh hơn bỏ lại Siri ngày nào. Nếu như vẫn xem Siri là cốt lõi của Apple Watch và Apple TV thì đã đến lúc táo khuyết cần phải tạo bước đột phá đối với Siri hay chí ít là có thể bắt kịp các đối thủ khác như Google Assistant hay Cortana.
Theo một nghiên cứu gần đây thì hầu như tất cả người dùng iPhone đều đã từng sử dụng Siri vào một số thời điểm nhất định nhưng trong đó có hơn 2/3 số người dùng cho biết họ hiếm khi dùng hay chỉ đôi khi mời dùng. Nếu bạn cũng đã từng dùng Siri bằng tiếng Anh thì hẳn bạn cũng đã biết được nó hoạt động không tốt như kỳ vọng. Khi nhờ Siri tìm kiếm thông tin, mọi kết quả đều được trả về từ công cụ tìm kiếm và không thể tương tác sâu hơn; Siri cũng thường xuyên nhầm lẫn giữa các lệnh và cũng không phải lúc nào cũng có thể "triệu hồi Siri" thành công với lệnh "Hey Siri!".

Mặc dù qua thời gian thì Siri cũng đã trở nên thông minh hơn, nhận lệnh chính xác hơn nhưng không có nghĩa nó có thể thực hiện được những gì chúng ta nói. Thật vậy, hệ thống có thể trả về rất nhiều thông tin nhưng với hình dung của Apple đối với Siri như một trợ lý ảo có thể làm mọi thứ thì năng lực của Siri với vai trò của trợ lý vẫn rất giới hạn. Cho dù bạn có la hét vào chiếc điện thoại iPhone, Apple TV hay Apple Watch thì Siri cũng không thể làm được gì nhiều. Alan Black - một nhà nghiên cứu đến từ Viện các công nghệ ngôn ngữ thuộc tại đại học Carnegie Mellon cho biết khi ông hỏi mọi người về mục đích sử dụng Siri thì câu trả lời luôn là: cài đặt báo giờ. Apple thậm chí còn làm riêng một video quảng cáo cho tính năng này (video dưới). Dĩ nhiên đây không phải là tương lai của công nghệ trợ lý ảo mà chúng ta mơ tưởng.
Tại sự kiện WWDC sắp diễn ra, Apple rất có thể sẽ công bố những cải tiến trên Siri cũng như trình diễn Siri trên máy tính Mac. Ngoài ra, nhiều thông tin bên lề còn cho rằng Apple sẽ mở cửa Siri để các lập trình viên phía thứ 3 tích hợp vào ứng dụng của họ và hành động này sẽ giúp Siri trở nên mạnh mẽ hơn so với trước đây. Nếu mọi thông tin bên lề đều chính xác thì Siri cuối cùng sẽ có thể được Apple làm mới, sở hữu nhiều tiềm năng hơn.
Trợ lý ảo được xem là pha chuyến đổi quan trọng tiếp theo trong thế giới công nghệ khi chúng ta sẽ chuyển từ màn hình cảm ứng sang dạng tương tác liên tục với nhiều thiết bị thông minh như thiết bị gia dụng, xe hơi và cả ví tiền. Dĩ nhiên không trợ lý ảo nào hoàn hảo nhưng vấn đề là người dùng hiện đang có nhiều lựa chọn tốt hơn Siri như Google Now (Google Assistant), Alexa của Amazon, Hound của SoundHound và Microosft Cortana. Chúng đều nhanh hơn, có thể xử lý nhiều chỉ thị phức tạp hơn và được tích hợp với các dịch vụ mà chúng ta thường dùng. Thậm chí ngay cả trợ lý mới toanh là Viv do chính những người từng phát triển Siri cũng tỏ ra lợi hại hơn so với trợ lý của Apple.

Vấn đề lớn nhất của Siri cũng giống như thời iPhone chưa có App Store. Trong khi trợ lý Alexa của Amazon đã tích hợp hơn 1000 kỹ năng được phát triển từ phía thứ 3 thì Siri vẫn chỉ kết nối với các dịch vụ của riêng Apple cộng với một số lượng rất ít các dịch vụ được cung cấp bởi các đối tác được chọn. Nếu như bạn muốn Siri tìm đường bằng Google Maps, phát nhạc từ Spotify, gởi tin nhắn bằng WhatsApp thì Siri không thể giúp bạn. Và khi Apple phát triển các ứng dụng và dịch vụ cho Siri thì không phải lúc nào chúng cũng tuyệt vời cả (Apple Maps?) Do đó người dùng sẽ bị mắc kẹt giữa việc phải chấp nhận sử dụng các ứng dụng không tốt hoặc bỏ qua tính năng hay nhất trên điện thoại là Siri.

Điều may mắn đối với Apple là táo khuyết đang sở hữu 2 lợi thế lớn trước các đối thủ đang phát triển mạnh. Đầu tiên là hãng đang sở hữu một kho ứng dụng khổng lồ với đội ngũ lập trình viên rất tích cực hoạt động và thứ 2 là kho ứng dụng này có thể dùng cho cả hệ sinh thái phần cứng của Apple từ iPhone, iPad cho đến Apple TV và Apple Watch. Mặc dù nhiều ứng dụng trợ lý ảo khác cũng đã xuất hiện trên App Store nhưng bạn chỉ có thể tải về và kích hoạt bằng cách nhấp vào biểu tượng như mọi ứng dụng thông thường. Trong khi đó chỉ có 1 thứ duy nhất mà khi bạn nhấn giữ nút Home sẽ hiện ra, đó chính là Siri và Apple sẽ không cho phép người dùng can thiệp vào tính năng này.
Ngoài ra, nhờ sức mạnh truyền thống đến từ nhiều nhân vật nổi tiếng và hoạt động marketing độc đáo, mọi người hầu như đều biết đến Siri. Và kể từ khi toàn bộ ngành công nghiệp đang tập trung vào giải pháp tương tác bằng giọng nói thì ngày càng có nhiều người dùng hơn mong muốn Siri mang lại nhiều hơn. Các lập trình viên cũng đang rất nóng lòng được tích hợp Siri vào các ứng dụng của họ và biến Siri trở thành một hệ thống thông minh, có thể học hỏi và cá nhân hóa với mỗi người dùng. Đến lúc đó, Siri sẽ trở thành một tính năng không thể thiếu trong hệ sinh thái của Apple.
Đã đến lúc Apple phải hành động và thực hiện cam kết của mình đối với Siri và người dùng. Apple đã hứa hẹn về một thế giới tại đó công nghệ không phải là một yếu tố gây xao nhãn mà là một người bạn đồng hành cùng chúng ta, nơi mọi đồ vật xung quanh hoạt động theo cách chúng ta nghĩ. Thế nhưng Siri vẫn chưa thể giúp chúng ta làm được điều đó. Trong khi các trợ lý ảo khác đang dần hiểu được giọng nói và nắm bắt được sở thích, thói quen của chúng ta thì Siri vẫn chỉ có thể loay hoay với tác vụ hẹn giờ báo thức. Tại WWDC, Apple đứng trước cơ hội lớn để thay đổi suy nghĩ của người dùng về Siri, ngay bây giờ hoặc không bao giờ!