Header ads

Header ads
» » Lịch sử Concorde: máy bay siêu thanh, sự hợp tác Anh - Pháp và một kết thúc buồn

Aérospatiale/BAC Concorde là một máy bay phản lực siêu thanh được Anh và Pháp cùng nhau phát triển và sản xuất. Chữ Concorde có nghĩa là sự hòa hợp, thống nhất, phản ánh sự hợp tác của hai nước thành viên trong quá trình làm ra chiếc máy bay này. Có tất cả 20 chiếc Concorde ra đời, trong đó 6 chiếc nguyên mẫu, 14 chiếc còn lại chia đều cho hai hãng hàng không Air France và British Airway mỗi hãng 7 chiếc. Với tốc độ tối đa Mach 2.04 - gấp 2,04 lần tốc độ âm thanh - 2180 km/h, Concorde có thể hoàn thành chặng bay xuyên Đại Tây Dương với thời gian chỉ bằng phân nửa so với máy bay thương mại bình thường. Nó cũng là một dấu mốc quan trọng trong ngành hàng không dân dụng, nhưng vì các lý do kinh tế nên Concorde đã bị chính thức "nghỉ hưu" vào năm 2003 (chính xác, bạn đã đọc đúng: tai nạn chết người năm 2000 của Concorde không phải là lý do chính).

Những ngày đầu tiên

Dự án Concorde bắt đầu vào những năm đầu 1950 khi Arnold Hall, giám đốc Cơ quan nghiên cứu Hàng không Hoàng gia (RAE), yêu cầu kĩ sư khí động học Morien Morgan thành lập một ủy ban nghiên cứu về ý tưởng vận tải hàng không siêu thanh. Nhóm này nhóm họp lần đầu tiên vào tháng 2/1954 và bắt đầu đưa ra báo cáo vào tháng 4 năm 1955. Morgan sau đó được biết tới như là cha đẻ của Concorde.

Ban đầu, người ta biết rằng lực cản không khí khi bay ở tốc độ siêu thanh có liên quan mật thiết tới sải cánh máy bay. Thế nên người ta mới bắt đầu thử nghiệm việc sử dụng những sải cánh rất ngắn và mỏng, giống như loại trên tên lửa hay trong chiếc máy bay Lockheed F-104 Starfighter. Thế là hội đồng bắt đầu thử nghiệm một nguyên mẫu máy bay cánh ngắn siêu thanh, gọi tắt là SST.

Lockheed F-104 Starfighter.jpg

Lockheed F-104 Starfighter

Nhưng thiết cánh kiểu này lại yêu cầu máy bay chạy đà một quãng rất dài, trong khi lúc đáp xuống thì tốc độ lại quá nhanh. Hơn nữa, thiết kế của SST còn đòi hỏi phải có động cơ rất mạnh để có thể bay lên khỏi đường băng, vậy là cần phải có nhiều nhiên liệu, tức là máy bay khi đó phải rất lớn. Thế là thiết kế của SST được quyết định là không phù hợp, thay vào đó người ta bắt đầu nghiên cứu lại ở mức thấp nhất về khí động học siêu thanh để đưa ra những thiết kế tốt hơn.

Một thời gian sau, RAE đưa ra một thiết kế cánh mới tên là "slender delta" với hình tam giác. Người ta nghiên cứu thấy rằng cánh kiểu này sẽ tạo ra các ốc gió xoáy và giảm áp suất không khí, từ đó tăng đáng kể lực nâng cho máy bay. Nó cũng giúp tăng hiệu năng cho tàu bay ở tốc độ siêu thanh trng khi vẫn có tốc độ cất / hạ cánh hợp lý. Hạn chế duy nhất của thiết kế này đó là máy bay phải ngất mũi lên khá cao khi đáp hoặc cất cánh để có thể tạo được đủ mức gió xoáy, và nó cũng cần bánh xe đủ cao để tạo được độ dốc như thế.

1/10/1956, chính phủ Anh lập ra một nhóm nghiên cứu mới, tạm dịch là Ủy ban tư vấn vận tải siêu thanh (STAC) với mục tiêu duy nhất là tạo ra được một thiết kế máy bay siêu thanh tốt và tìm đối tác để sản xuất nó. Ngay trong cuộc họp đầu tiên, một khoản tiền đã được thông qua để làm một chiếc máy bay thử nghiệm đầu tiên tên Handley Page HP.115 nhằm kiểm tra tính thực tế của slender delta. Trong thời gian sau đó, tính kinh tế của thiết kế cánh tam giác cũng đã được chứng minh và STAC bắt đầu đi gặp các đối tác để nói về việc sản xuất.

HP.115.gif
Chiếc HP.115

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở RAE vẫn tiếp tục công việc của mình với slender delta. Họ đang cân nhắc giữa 3 hình thái cơ bản: cánh tam giác thẳng cổ điển, cánh tam giác bo tròn ở phía ngoài, và cánh tam giác được vuốt cong ở rìa (ogee). Mỗi hình thái đều có thể mạnh và yếu riêng về mặt khí động học. Cuối cùng, kiểu cánh ogee đã được chọn.

Năm 1961, hai công ty sản xuất máy bay British Aircraft Corporation (BAC - Anh) và Sud Aviation (Pháp) gặp nhau để bàn việc chế tạo chiếc máy bay siêu thanh. Năm 1962, tổng thống Pháp Charles de Gaulle nhấn mạnh việc hợp tác giữa hai quốc gia và tới năm 1963, cũng vị tổng thống này đã dùng chữ "Concorde" để nói về dự án. Tới tháng 10 cùng năm, các nhà báo Anh và Pháp được cho xem một mô hình thử nghiệm của chiếc " Concord" (không có chữ e).

Concard_canh.jpg

Tới năm 1964, không có một công ty mới nào được thành lập để sản xuất chiếc Concord. Thay vào đó, một ban lãnh đạo đặc biệt đã được lập ra giữa chính phủ hai nước, cộng với người của BAC, Aerospatiale, Rolls Royce và SNECMA. Tất cả những công ty này đã kí hàng trăm hợp đồng với các nhà cung ứng từ Anh, Pháp và Mỹ. Ngày 1/5 năm đó, mẫu thử nghiệm "mini concord" cất cánh ở vùng Bordeaux, Pháp. Người ta chọn nơi này để thử nghiệm vì khí hậu phù hợp hơn ở Anh, dân cư thưa thớt cũng làm giảm ảnh hưởng của tiếng ồn tạo ra bởi một chiếc máy bay siêu thanh.

Năm 1966, Anh và Pháp mỗi bên làm một nguyên mẫu lớn hơn của mini concord, số hiệu là 001 và 002. Trong khi đó, các đại diện bán hàng cũng bắt đầu túa đi trên toàn thế giới để quảng bá sản phẩm của mình. Tới tháng 5/1967, doanh thu Concorde đã đạt 74 chiếc từ 16 hãng hàng không khác nhau.

Cất cánh!

Ngày 11 tháng 12 năm 1967, tại Toulouse, Pháp, trước sự chứng kiến của hơn 1100 vị khách, nguyên mẫu đầu tiên của Concorde bắt đầu được giới thiệu. Chiếc máy bay này được gọi là Concorde 001, và trong cái tên vẫn có chữ e theo tiếng Pháp. Trước đó, bên Anh gọi sản phẩm của mình là Concord, nhưng cuối cùng ngay tại buổi lễ này bộ trưởng bộ công nghệ Anthony Wedgwood Benn quyết định rằng chiếc của Anh cũng sẽ được gọi là Concorde.

Năm 1968, Concorde 001 được cho thử nghiệm trong nhà gió và chạy thử trên đường băng. Có một chuyện thú vị diễn ra trong năm này: ngày 31 tháng 12, chiếc Tupolev Tu-144 của Nga đã cất cánh như là chiếc máy bay siêu thanh đầu tiên bay lên bầu trời. Nó bay một vòng từ đường băng và hạ cánh xuống nhà máy nơi Tu-144 được làm ra. Vì sự giống nhau giữa Tu-144 và Concorde, người phương Tây đặt nickname cho chiếc máy bay này là "Concordski".

Tupolev_TU-144.jpg
Tupolev Tu-144 của Nga

Ngày mong đợi cuối cùng đã tới. 2/3/1969, Concorde 001 bay chuyến thử nghiệm đầu tiên từ sân bay Toulouse và tới ngày 1/10 cùng năm, lần đầu tiên Concorde bay ở tốc độ siêu thanh. Về phía Anh, chiếc máy bay của họ cũng bay thử nghiệm vào tháng 4 năm 1969. Cả hai nguyên mẫu lần đầu tiên được giới thiệu cho công chúng tại triển lãm Paris Air Show vào tháng 6 năm đó. Chính phủ hai nước cho phép sản xuất thêm 3 chiếc nữa mang số hiệu 204, 205, 206.

Năm 1973, Concorde 002 lần đầu bay sang Mỹ và đáp xuống phi trường Dallas/Fort Worth Regional Airport để đánh dấu việc mở cửa sân bay này.

Và mặc dù đã bay thử nhưng việc bán Concorde lại không được như mong đợi. Nhiều hãng hàng không đã hủy đơn đặt hàng của mình sau khi chiếc Tupolev Tu-144 của Xô-viết bị rớt tại triển lãm hàng không Paris năm 1973. Sự kiện này đã gây sốc cho những người mua tiềm năng, ngoài ra sự lo lắng của cộng đồng về vấn đề tiếng ồn khi cất cánh, bom siêu thanh** và ô nhiễm đã thay đổi cái nhìn của dư luận về máy bay siêu thanh. Cuối cùng, chỉ còn Air France và British Airways là giữ đơn hàng của mình lại, trong đó chính phủ hai nước sẽ nhận được một phần cắt ra từ lợi nhuận kiếm được.

**Bom siêu thanh - sonic boom - là âm thanh được tạo ra kèm theo sóng xung kích (shock wave) khi một vật thể chuyển động trong không khí nhanh hơn tốc độ âm thanh. Ví dụ dễ thấy nhất là cây roi da, khi bạn quật nó trong không khí thì phần đuôi của nó - vốn có trọng lượng nhẹ hơn - sẽ di chuyển nhanh hơn vận tốc âm thanh và tạo ra tiếng bùm nhỏ. Ở Concorde, tiếng ồn này có thể được nghe thấy bởi người dân sống trên đường bay của máy bay.

Sonic_Boom.gif

Bên kia Trái Đất, Mỹ cũng hủy bỏ dự án Boeing 2707 - chiếc máy bay siêu thanh đối thủ của Concorde - vào năm 1971. Giá bán của Concorde giờ đã đội lên gấp 6 lần so với dự tính ban đầu, tính ra là 23 triệu bảng Anh cho mỗi chiếc vào năm 1977.

Bắt đầu bay thương mại

Ngày 21 tháng 1 năm 1976, các chuyến bay thương mại của Concorde bắt đầu diễn ra. Chuyến đầu tiên đi theo đường London đi Bahrain (một quốc gia Trung Đông) và Paris đi Rio de Janeiro. Trong thời gian này, Concorde chưa được đáp xuống Mỹ vì Quốc hội Mỹ cấm do những lo ngại về sonic boom. Mãi tới tháng 5 cùng năm khi Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải cho phép Concorde bay tới Washington Dulles thì Concorde mới bắt đầu hành trình tới Mỹ của mình trong thời gian thử nghiệm 16 tháng.

Sự kiện này khá là thú vị. Hai chiếc Concorde, một cất cánh từ London sơn màu của British Airways và một bay từ Paris sơn màu Air France, đều xuất phát tới sân bay Dulles. Trước khi hạ cánh, cả hai chiếc máy bay đều bay qua tòa nhà quốc hội Mỹ rồi cùng nhau chạm bánh xuống sân bay. Chiếc Concorde của Anh đáp xuống đường băng 01L trong khi chiếc của pháp thì dùng đường băng 01R.

Concorde_at_Dulles.jpg
Hai chiếc Concorde đầu tiên đáp xuống Mỹ ở sân bay Dulles

Một năm kể từ ngày vận hành chính thức, đầu năm 1977, Concorde đã chuyên chở được 45.000 hàng khách có thu phí và đạt chặng đường tổng cộng 3.500.000 dặm. Lúc này, thành phố New York vẫn còn cấm không cho Concorde bay vào không phận của mình. Tới tháng 10 năm đó, Tòa án tối cao Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm. Các báo cáo cho thấy rằng rằng tiếng ồn tạo ra bởi chiếc Air Force One của tổng tống Mỹ còn lớn hơn là chiếc Concorde khi bay siêu thanh lẫn khi cất hoặc hạ cánh. Tháng 11 năm 1977, chuyến bay thương mại từ Paris, London tới phi trường John F. Kennedy của New York bắt đầu được khai thác.

Tất nhiên, giá vé để được đặt chân lên Concorde rất đắt, đắt hơn nhiều so với máy bay thương mại bình thường. Năm 1999, giá vé để bay giữa Paris và New York là 5.000 USD một chiều, bay khứ hồi thì gấp đôi lên. Để các bạn dễ so sánh thì vừa rồi mình vừa bay từ Việt Nam qua Mỹ vào tháng 6/2016, cũng xuống sân bay Dulles, giá vé là 1.000 USD khứ hồi.

Tai nạn năm 2000

Ngày 25/7/2000, chuyến bay số 4590 của Air France đã rớt tại Gonesse, Pháp sau khi cất cánh từ sân bay Charles de Gaulle ở Pháp trong chuyến bay tới New York. Vụ tai nạn đã làm toàn bộ 100 hành khách và 9 phi hành đoàn thiệt mạng, ngoài ra còn thêm 4 người chết trên mặt đất. Đây là vụ tai nạn duy nhất có thương vong của Concorde.


Theo dữ liệu từ ủy ban điều tra, một miếng kim loại rớt ra từ chiếc máy bay DC-10 của hãng hàng không Continental Airlines cất cánh trước đó vài phút đã làm hỏng bánh xe bên trái của Concorde. Lốp bị nổ, một miếng cao su đập vào thùng xăng dẫn tới rò rỉ nhiên liệu và gây cháy. Phi hành đoàn đã tắt động cơ số 2 khi có cảnh báo lửa, còn động cơ số 1 thì không tạo đủ lực đẩy khiến máy bay không thể lấy được độ cao hay bay nhanh hơn. May bay tăng tốc rồi giảm đột ngột, nghiêng qua bên trái rồi đâm vào một khách sạn tại Gonesse.

Ngày 12/6/2010, Continental Airlines và kĩ sư cơ khí John Taylor của hãng này bị buộc tội gây ra thương tích không cố ý. Nhưng tới tháng 11 năm 2012, tòa án tại Pháp cho rằng sai lầm của Continental Airlines và Taylor không khiến họ chịu tội hình sự.

Trước khi sự cố diễn ra, Concorde được cho là máy bay hành khách an toàn nhất thế giới với số người thương vong tính trên mỗi km là 0. Tuy nhiên, nó lại gặp một số vấn đề khác và về hỏng bánh xe nhiều hơn so với những máy bay dưới tốc độ siêu thanh trong giai đoạn 1995 đến 2000.

Concard_gboae2.jpg

Sau vụ tai nạn thương tâm, Concorde được các bên cùng nghiên cứu để cải thiện tính an toàn, trong đó có việc thiết kế lại hệ thống điện, bọc lớp kevlar cho khoang nhiên liệu và trang bị lốp chống nổ. Chuyến bay đầu tiên sau vụ tai nạn cất cánh từ London vào ngày 17/7/2001, nó được điều khiển bởi Mike Bannister, phi công trưởng của chương trình Concorde ở Anh. Trong chuyến bay thử nghiệm kéo dài 3 giờ 20 phút, Bannister đã đạt tốc độ Mach 2.02 ở độ cao 18,000 m. Chuyến bay này giả lập chặng bay London - New York và được tuyên bố thành công, đồng thời truyền hình trực tiếp lên TV.

Ngày 11/9/2001, chuyến bay Concorde có hành khách đầu tiên cất cánh trở lại sau vụ tai nạn. Nó đáp xuống chỉ một thời gian ngắn trước khi vụ khủng bố vào tòa nhà World Trade Center diễn ra ở Mỹ. Và đây cũng không phải là chuyến bay thương mại vì tất cả người trên khoan đều là nhân viên British Airway. Đến tháng 10 cùng năm, Anh và Pháp khôi phục việc bán vé Concorde cho hành khách. Tới tháng 11 thì những chuyến bay Concorde thương mại bắt đầu cất cánh trở lại đến sân bay New York.

Nghỉ hưu

Ngày 10 tháng 4 năm 2003, cả Air France và British Airways cùng nhau thông báo rằng họ sẽ cho đội bay Concorde nghỉ hưu vào cuối năm. Lý do của động thái này là số lượng hành khách ít sau vụ tai nạn năm 2000, sự sụt giảm của ngành du lịch hàng không sau sự kiện 11/9, và chi phí bảo trì gia tăng. Và mặc dù buồng lái của Concorde là một tiến bộ công nghệ vào năm 1970 nhưng 30 năm sau đó nó đã lỗi thời trước sự phổ cập của công nghệ số. Concorde cũng không chịu sức ép cạnh tranh từ các máy bay thương mại khác nên nhà sản xuất đã không cập nhật nó kịp thời. Airbus cũng không ủng hộ việc tiếp tục vận hành Concorde.

Air France bay chuyến Concorde thương mại cuối cùng vào ngày 30/5/2003 từ Paris đi New York. British Airway bay chuyến tạm biệt vào tháng 10/2003 qua nhiều sân bay: Toronto của Canada, New York, Boston, Washing ở Mỹ. Ngoài ra nó còn ghé nhiều sân bay ở Anh để chở các hàng khác VIP, chẳng hạn như cựu phi công Concorde, Hoàng hậu Anh.

Chuyến bay cuối cùng của Concorde trên đất Mỹ diễn ra vào ngày 5 tháng 11 năm 2003 khi chiếc của Anh di chuyển từ New York sang Seattle để góp mặt vào bộ sưu tập của Bảo tàng Hàng không.

Tương lai ra sao?

Tháng 9 năm 2015, tổ chức Club Concorde thông báo họ đã gây quỹ được 160 triệu bảng Anh để khôi phục hoạt động của máy bay. Paul James, chủ tịch tổ chức, nói rằng: "Rào cản chủ yếu của bất kì dự án Concorde nào cho đến thời điểm này đó là 'Tiền đâu?'. Chúng tôi đã kiếm được một nhà đầu tư, giờ thì khoản tiền đó không còn là vấn đề". Club Concorde muốn mua lại chiếc Concorde đang được trưng bày tại sân bay Le Bourget nhưng chưa rõ có thành công hay không. Dự kiến tới năm 2019, chuyến bay trở lại sẽ được khai trương, 50 năm sau ngày bay đầu tiên.

Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, vẫn hi vọng một ngày nào đó Concorde sẽ lại tung cánh trên bầu trời, và các thế hệ mới hơn của chiếc máy bay tuyệt vời này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của mọi người trên toàn cầu...

 
[Xem tin khác]

About Học viện đào tạo trực tuyến

Xinh chào bạn. Tôi là Đinh Anh Tuấn - Thạc sĩ CNTT. Email: dinhanhtuan68@gmail.com .
- Nhận đào tạo trực tuyến lập trình dành cho nhà quản lý, kế toán bằng Foxpro, Access 2010, Excel, Macro Excel, Macro Word, chứng chỉ MOS cao cấp, IC3, tiếng anh, phần mềm, phần cứng .
- Nhận thiết kế phần mềm quản lý, Web, Web ứng dụng, quản lý, bán hàng,... Nhận Thiết kế bài giảng điện tử, số hóa tài liệu...
HỌC VIỆN ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN:TẬN TÂM-CHẤT LƯỢNG.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn