Thế giới công nghệ thay đổi không ngừng, công nghệ cũ sẽ biến mất và thay thế bằng công nghệ mới. Đó là những gì chúng ta vẫn đang thấy, máy nghe nhạc, máy ảnh PnS đã biến mất thay bằng điện thoại thông minh, truyền hình vô tuyến cũng đã được thay bằng truyền hình cáp, vệ tinh, TV màn hình CRT dày cui thời đó giờ đã siêu mỏng với LCD, … rất nhiều thứ đã thuộc về quá khứ. Vậy trong tương lai gần, vào năm 2025 thì những công nghệ nào sẽ tiếp tục biến mất?
1. LCD TV:
Chỉ chưa đầy 1 thập niên trước, những chiếc TV dùng công nghệ màn hình tinh thể lỏng (LCD) đã gây bão trên toàn thế giới khi xuất hiện với thiết kế mỏng chưa từng có và tiết kiệm điện năng. Trong khi những chiếc TV LCD đã được cải tiến rất nhiều kể từ thời điểm đó, trở nên mỏng hơn, màu sắc đẹp và sáng hơn, rẻ hơn … nhưng những nhà sản xuất như LG hiện đã chuẩn bị cho giải pháp thay thế: TV dùng công nghệ diode phát sáng hữu cơ (OLED).

Do OLED tự phát ra ánh sáng nên TV sẽ không cần đến tấm nền backlight, từ đó sẽ còn tiêu thụ ít điện năng hơn và mang lại chất lượng hình ảnh cao hơn so với LCD. Thêm vào đó do không dùng backlight nên những chiếc TV OLED sẽ có thể mỏng như tờ giấy, bán trong suốt, dẻo và thậm chí là có thể cuộn lại được. Tại CES 2017 vừa diễn ra, LG cũng đã xác nhận rằng dòng TV W series mới của hãng chỉ có độ dày 1/10 inch, có thể gắn lên tường bằng nam châm và sẽ lên kệ vào cuối năm nay.
2. Bóng đèn LED: 
Cũng tương tự như TV OLED, mặc dù bóng đèn LED truyền thống đã trở nên rẻ hơn và sở hữu nhiều ưu điểm hơn so với bóng đèn huỳnh quang nhưng điều có thể dự đoán được là ngành công nghiệp thiết bị chiếu sáng sẽ nhanh chóng chuyển sang dùng OLED một khi công nghệ này trở nên phổ biến. Cũng như OLED trên TV, bóng
đèn OLED sẽ phát ra ánh sáng đều hơn và tiết kiệm điện năng hơn so với LED cũng như có thể được chế tạo dưới nhiều hình dạng, độ mỏng khác nhau.
3. Thiết bị lưu trữ vật lý: Đĩa CD hay DVD đã nhanh chóng biến mất kể từ khi những chiếc thẻ nhớ, ổ nhớ USB hay ổ cứng gắn ngoài dung lượng cao, tốc độ cao trở nên phổ biến. Tuy nhiên, những thiết bị từng soán ngôi của CD và DVD cũng sẽ biến mất, thay thế bằng các dịch vụ lưu trữ đám mây một khi chúng tiện lợi hơn và phổ biến hơn.

Thậm chí vào thời điểm hiện tại, chúng ta cũng đã bắt đầu sử dụng ngày một nhiều hơn các dịch vụ lưu trữ. Việc sao lưu, chuyển đổi dữ liệu giữa các thiết bị đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều với các dịch vụ đám mây. Rào cản duy nhất hiện tại vẫn là tốc độ Internet, nó cần phải bắt kịp với dung lượng ngày một lớn của tập tin.
4. Máy chơi game console: Thật sự thì từ nhiều năm trước, giới công nghệ đã bắt đầu đồn đoán về cái kết của những chiếc máy chơi game console. Mặc dù hiện tại Xbox One hay Sony PlayStation 4 vẫn đang đạt doanh số tốt tức là vẫn còn nhiều người dùng như nếu như các công ty như Nvidia đưa ra những công nghệ chơi game không cần đến máy console, dựa trên nền tảng đám mây hoàn toàn thì Xbox hay PS sẽ phải chào tạm biệt trong tương lai gần.

Một ví dụ ngay lúc này là Nvidia đã vừa tung ra dịch vụ
GeForce Now - một dịch vụ stream game hay chơi game từ xa cho phép người chơi trải nghiệm hàng tá tựa game AAA ở tỉ lệ khung hình đến 60 fps, độ phân giải FHD với độ trễ thấp trên mọi chiếc máy tính mà không cần quan tâm chiếc máy của mình có cấu hình đủ mạnh để chơi hay không. Mọi hoạt động xử lý đồ họa game đều được thực hiện trên các máy chủ của Nvidia với GPU Pascal và CPU Tegra. Điều này cho phép Nvidia đưa những công nghệ chơi game mới nhất đến người dùng một cách sớm nhất mà người dùng không cần phải mua phần cứng mới.
5. Kính chiếu hậu trên xe hơi: Kính chiếu hậu ít khi được nhìn nhận là một sản phẩm công nghệ ngoại trừ một số loại kính có hỗ trợ các tính năng như tự làm mờ do các hãng chuyên làm phụ kiện như Gentex. Thế nhưng cũng chính hãng này cho biết trong những quý gần đây, người dùng hiện đang chuyển sang dùng loại kính dạng màn hình hiển thị thay cho kính truyền thống.

Thêm vào đó, cùng với đạo luật được Bộ giao thông vận tải Hoa Kỳ ban hành năm ngoái yêu cầu tất cả xe hơi mới phải gắn camera kể từ tháng 5 năm 2018 và sự phổ biến của những phương tiện tự hành trong tương lai thì có thể nói kính chiếu hậu sẽ sớm trở thành một thứ cổ lỗ sĩ.
6. Sạc có dây: Dù đã xuất hiện trên thị trường từ khá lâu nhưng sạc không dây vẫn chưa được sử dụng phổ biến vì nhiều lý do. Bẵng đi một thời gian, sạc không dây đang trở lại khi mà nhiều hãng làm điện thoại hàng đầu thế giới như Samsung cũng đã bắt đầu tích hợp cuộn dẫn vào những chiếc smartphone mới nhất và tốt nhất của mình và thậm chí Apple cũng được cho là sẽ đem tính năng sạc không dây lên thế hệ iPhone 8. Không chỉ điện thoại, laptop cũng đã bắt đầu được trang bị tính năng sạc không dây và một trong những đại diện đầu tiên là chiếc Dell Latitude 7285 2 trong 1 vừa ra mắt tại CES 2017.

Như vậy với sự đi đầu của các hãng công nghệ lớn cùng với sự tiện lợi của sạc không dây thì chúng ta có thể kỳ vọng công nghệ này trong tương lai sẽ thay thế sạc có dây truyền thống. Ngoài ra, không chỉ hoạt động bằng cơ chế cảm ứng từ, nhiều nhóm nghiên cứu cũng tìm ra cách thu lại một lượng nhỏ
năng lượng truyền dẫn từ tín hiệu Wi-Fi và dùng nó để sạc cho một loạt các thiết bị mà không cần tiếp xúc vật lý.
7. Điều khiển từ xa: Cái rì mót, cái bấm là những từ quen thuộc mà chúng ta vẫn gọi khi tìm cái điều khiển từ xa và không chỉ một, mỗi chiếc TV, đầu máy, dàn loa … đều cần đến điều khiển riêng. Sự rắc rối này có thể sẽ là chuyện của quá khứ nhờ sự xuất hiện của các công nghệ điều khiển băng giọng nói tích hợp trên các thiết bị thông minh.

Chẳng hạn như bạn có thể ra lệnh cho Amazon Echo, Google Home hay thậm chí là cảm biến Kinect điều chỉnh âm thanh, chuyển kênh TV, tìm nội dung, mở ứng dụng hay tắt máy và rất nhiều thứ khác nữa. Tất cả đều được thực hiện qua giọng nói, không cần đụng tay vào điều khiển. Và một khi đã không cần đến điều khiển, sự biến mất của cục nhựa dài nhiều nút này là hệ quả tất yếu.
8. Thẻ tín dụng: 
Theo Bloomberg, hơn 80% các khoản thanh toán tiêu dùng tại Mỹ được chi trả không phải bằng tiền mặt. Nhờ những dịch vụ thanh toán như PayPal và Apple Pay, việc thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt thậm chí còn không cần dùng đến thẻ tín dụng. Thêm vào đó, nhiều quốc gia khác như Ấn Độ cũng đang nhanh chóng chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt và cùng với sự phát triển của smartphone với khả năng truy xuất, hỗ trợ thanh toán bằng các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số trên quy mô toàn cầu thì sẽ không lâu nữa, những chiếc thẻ tín dụng bằng nhựa cũng sẽ biến mất khỏi chiếc ví của chúng ta.
9. Mật khẩu: Công bằng mà nói thì mật khẩu không phải là một sản phẩm công nghệ, thế nhưng nó là một phần gần như không thể thiếu trên mọi sản phẩm công nghệ. Trong thời gian gần đây, những loại hình
bảo mật sinh trắc đang dần thay thế những chuỗi ký tự mật khẩu khó nhớ và trong tương lai rất có thể mật khẩu sẽ bị thay thế hoàn toàn bằng những thứ như khuôn mặt, mống mắt hay dấu vân tay.

Cảm biến vân tay dần trở thành một trang bị tiêu chuẩn trên nhiều loại thiết bị di động và thử nghĩ xem, chỉ cần đặt ngón tay vào cảm biến vân tay là bạn đã có thể làm hàng tá thứ như mở khóa máy, xác thực thanh toán hoặc mua ứng dụng. Bên cạnh đó, công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng đã được cải tiến với độ chính xác cao hơn, hỗ trợ quét 3D khuôn mặt và có thể phân biệt giữa nhiều người khác nhau.
10. Các thiết bị stream nội dung số: 
Chromecast, Roku, Fire TV và Apple TV mặc dù không thể phủ nhận rằng chúng là những thiết bị dễ dùng, khá phổ biến và dễ mua vì mức giá không quá đắt nhưng nhiệm vụ cơ bản của chúng vẫn là biến những chiếc TV "ngu" thành TV thông minh. Nếu như tất cả những chiếc TV sau này đều thông minh thì chúng sẽ không còn đất diễn. Theo IHS, hơn một nửa số TV được bán ra trên toàn cầu trong năm ngoái là TV thông minh và con số này tiếp tục tăng.
11. Máy hút bụi truyền thống: Máy hút bụi truyền thống sẽ tiếp tục mất thị phần vào tay những con
robot hút bụi. Vào năm 2014, giám đốc điều hành iRobot - Colin Angle cho rằng những con robot hút bụi sẽ chiếm khoảng 15% trong tổng doanh số máy hút bụi bán ra trên toàn cầu. Angle nói rằng: "Chúng tôi tin là khi người dùng để ý hơn đến phân khúc sản phẩm này, tỉ lệ đón nhận sẽ tăng tương đương với các thiết bị gia dụng khác."

Bản thân iRobot cũng đạt đà tăng trưởng tốt kể từ thời điểm đó. Theo thống kê thì trong quý gần nhất, lợi nhuận từ mảng robot gia dụng của hãng này đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt $168 triệu đô nhờ nhu cầu ngày một tăng đối với dòng robot quét sàn hút bụi Roomba và Braava. Về lâu dài, khi nhiều người tiêu dùng hơn nhận ra robot hút bụi có thể thay thế máy hút bụi truyền thống thì chúng sẽ biến mất cũng giống như những thứ nói trên.