Nút home dường như là một món "đặc sản" của iPhone. Nó đã xuất hiện từ những ngày đầu chiếc điện thoại này ra đời cho đến tận ngày hôm nay, theo suốt một chặng đường 10 năm. Nút home trở thành một biểu tượng mà bất kì ai vẽ iPhone đều phải gắn lên như một cách giúp người khác định hình nhanh sản phẩm đó là gì. Vậy mà có tin đồn iPhone 8 sẽ không còn dùng nút home nữa, tức là Apple sẵn sàng bỏ đi thành quả 10 năm của mình để đổi lấy một thứ khác. Liệu có thật không? Chuyện này có khả năng xảy ra hay không và nếu có thì có gì sẽ thay thế nút home?
Apple có thể bỏ nút home vật lý hay không?
Quay ngược dòng lịch sử một chút, nút home ngay từ đầu đã có một nhiệm vụ đơn giản: quay trở về màn hình chính. Không quan trọng bạn đang làm gì, không quan trọng bạn đang chạy app nào, không quan trọng bạn đang dùng iOS phiên bản mấy, chỉ cần bấm nút home thì bạn sẽ ngay lập tức trở về màn hình chính ngay. Đây không chỉ là một thao tác đơn thuần, Apple đã biến việc quay trở lại home screen trở thành một cách thiết kế giao diện di động được nhìn nhận và giảng dạy trong các chương trình liên quan đến UI và UX (trải nghiệm người dùng). Hiện tại Android, Windows Phone, Tizen cũng sử dụng giải pháp tương tự để quay về màn hình chính. Nói cách khác, nút home trở thành một thói quen mà bất kì ai sở hữu smartphone đều có.
Theo thời gian, nút home trên iPhone có thêm những tác dụng khác: nhấn giữ để gọi Siri và điều khiển bằng giọng nói, kết hợp với nút nguồn để khởi động lại khi iPhone gặp vấn đề, và thay đổi gần đây nhất là tích hợp thêm cảm biến vân tay vào nút home kể từ iPhone 5s. iPhone 7 biến nút home vật lý, tức là cái mà bạn có thể nhấn xuống được, thành một nút home không còn cơ chế chuyển động. Thay vào đó, cảm giác nhấn sẽ được tạo ra bởi một bộ rung Taptic Engine nằm bên trong đáy thiết bị.

Vậy mà Apple bây giờ có ý định bỏ đi nút home, bỏ đi cái đã làm nên biểu tượng của iPhone, bỏ đi một thứ mà người dùng đã xài rất nhiều trong suốt 10 năm qua. Những dấu hiệu nào cho thấy điều đó? Trước hết, hãy nhìn vào iPhone 7. iPhone 7 (hay 7 Plus) tuy vẫn có "nút" home nhưng nó giống như một khoảng lõm vào, bên dưới không có ngàm hay cơ chế click như bình thường. Nói cách khác, nó chỉ là một miếng cảm biến vân tay nằm yên ở đó và không bao giờ di chuyển. Bạn sẽ chỉ cảm thấy các rung động nhỏ từ cục rung mà thôi.
Vì sao Apple lại làm nút home cho iPhone 7 theo kiểu này? Hãng không giờ giải thích, nhưng chúng ta có thể đoán một trong những lý do đó là công ty muốn điều tra xem phản hồi của khách hàng sẽ như thế nào nếu họ bỏ đi nút home truyền thống. Kết quả là không nhiều người nói về sự thay đổi này, thậm chí một số người còn thích cái cảm giác nhấn mới và cảm thấy yên tâm hơn vì họ không còn lo hư nút home nữa (do nút có còn đâu mà hư).
Ngoài ra anh em cũng biết từ lâu iPhone đã có khả năng quay lại màn hình chính bằng phím ảo trên màn hình. Nút mà chúng ta hay gọi vui là "con ruồi" thực chất chỉ là một chức năng hỗ trợ cho người khuyết tật hay gặp khó khăn về lực nhấn, tuy nhiên nó vẫn được rất nhiều tận dụng để thay thế cho nút home cứng. Chuyện này phần nào cho thấy rằng nếu không còn nút home vật lý, trải nghiệm iOS vẫn sẽ không thay đổi. Nó cũng như một cách Apple chuẩn bị sẵn về mặt phần mềm, chỉ cần phần cứng mới xuất hiện là sẵn sàng hoạt động.

Mà tại sao công ty lại muốn bỏ nút home? Có vẻ như iPhone đời kế tiếp sẽ dùng màn hình viên siêu mỏng, kiểu như Xiaomi Mi Mix. Nếu điều đó thành sự thật thì iPhone sẽ không còn đủ chỗ để gắn cảm biến vân tay + nút home ở mặt trước nữa. Khi đó Apple buộc phải di chuyển cảm biến này ra sau lưng giống như các điện thoại Android hoặc phải tìm giải pháp khác để người dùng vẫn có thể nhấn vào đâu đó khi cần quay lại home. Chắc chắn Apple không bao giờ khuyến khích chúng ta dùng "con ruồi" nói trên rồi vì nó khá chiếm dụng nhiều không gian hiển thị một cách không cần thiết và ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm người dùng.
Xem thêm: Viền mỏng sẽ là xu hướng của smartphone năm nay
Các giải pháp thay thế là gì?
Theo các tin đồn, Apple dự tính sẽ thay nút home vật lý này bằng một phím home ảo theo cách nào đó, có thể là qua một khu vực cảm ứng trên màn hình, qua cảm biến quang học hoặc qua một thao tác 3D Touch. Vì trên iPhone giờ chỉ còn phím nguồn và hai phím âm lượng, mà hai phím này lại nằm ở vị trí cách xa ngón tay nên ít có khả năng Apple sẽ dùng chút thay cho nút home mà tất cả sẽ liên quan nhiều tới phần mềm.
Tin rò rỉ gần đây nhất nói Apple cân nhắc dùng một công nghệ tên là cảm biến vân tay quang học. Quang học ở đây không có nghĩa là bộ quét optical như cái máy điểm danh bằng vân tay. Thay vào đó, Apple sử dụng cảm biến đặt dưới tấm nền OLED dẻo để nhận diện vân tay, và sẵn đó thì dùng làm nút home luôn. Công ty đã từng có một bằng sáng chế về công nghệ này, và với tiềm lực của Apple thì hãng hoàn toàn có thể biến điều đó trở thành hiện thực. 3D Touch có thể dùng kết hợp cho việc kích hoạt: chỉ khi nào bạn nhấn mạnh vào đúng khu vực thì máy mới về home.

Thách thức bây giờ nằm ở tấm OLED. Nó không phải là OLED thường hay màn hình LCD, nhà phân tích Ming-Chi Kuo cho rằng Apple sẽ phải dùng OLED dẻo để tránh xung đột tín hiệu và tăng độ bền. Hiện không có nhiều thiết bị trên thị trường dùng panel dẻo, cách đây vài năm Samsung và LG có ra mắt màn điện thoại màn hình dẻo cong nhưng cả hai đều không còn được sản xuất và chi phí để làm ra tấm nền này không rẻ chút nào. Các công ty khác cũng liên tục giới thiệu những nghiên cứu về OLED dẻo nhưng chẳng mấy ai có sản phẩm bán được vì quy trình sản xuất phức tạp và sản lượng thấp.
Trong khi đó, iPhone lại có nhu cầu tiêu thụ cao và Apple có thể bán được cả chục triệu chiếc mỗi tháng, tức màn hình OLED dẻo cũng cần phải đáp ứng được số lượng tương tự. Hãng không thể chấp nhận chuyện thiếu linh kiện chứ đừng nói tới việc màn hình là một trong những bộ phận qua trọng nhất với một cái điện thoại.
Một giải pháp khác Apple có thể cân nhắc là cảm biến sóng siêu âm. Qualcomm đã triển khai công nghệ này từ năm 2015 và trong năm qua đã có rải rác một vái chiếc điện thoại dùng loại cảm biến này thay cho cảm biến vân tay. Đặc trưng của công nghệ nhận dạng vân tay siêu âm đó là bạn không cần cảm biến riêng, có thể tích hợp dưới màn hình. Màn hình cũng không cần phải là OLED dẻo, chỉ cần LCD như bình thường là đủ. Độ chính xác của việc nhận ngón tay bằng sóng âm cũng khá tốt và chắc chắn Qualcomm vẫn còn tiếp tục cải tiến nó theo thời gian. Giờ Apple chỉ cần nghĩ cách làm sóng âm hoạt động tốt với thao tác trở về home nữa là xong.

Nếu Apple chọn giải pháp này, có lẽ công ty sẽ tự phát minh ra công nghệ của riêng mình chứ không mua đồ của Qualcomm vì tính năng siêu âm chỉ có trong SoC Snapdragon, mà Apple lại dùng chip riêng của mình. Hai công ty cũng đang kiệng tụng nhau ầm ĩ và sẽ không thích hợp lắm nếu họ bắt tay nhau vào lúc này.
Việc cảm biến vân tay và nút home của iPhone bị thay thế là hoàn toàn có thể xảy ra. Với một công ty như Apple, việc bỏ jack 3,5mm còn làm được thì nút home chẳng là gì, nhất là khi công ty hi sinh nó để tạo ra một chiếc điện thoại viền mỏng hơn, nhỏ gọn hơn, đẹp mắt hơn. Những giải pháp thay thế chưa có cái nào thành hình rõ ràng nhưng đều là các ứng viên tiềm năng. iPhone 8 được cho là sẽ ra mắt vào tháng 9 năm nay, chúng ta hãy đợi xem sao.