Hầu như tất cả những con chip xử lý mà bạn thấy hiện nay đều được phát triển theo một mô hình điện toán giống nhau là cố truy cập lượng dữ liệu liên tục lớn nhất, đồng thời làm đầy các caches nhanh nhất có thể. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là cách nhanh nhất để xử lý các tác vụ và để hoàn thiện điều đó, bộ quốc phòng Mỹ đã đầu tư số tiền 80 triệu đô la để phát triển nên vi xử lý phân tích biểu đồ đầu tiên trên thế giới, hứa hẹn sẽ được dùng để tiến hành những công việc khủng khiếp hơn như dự đoán dấu hiệu chiến tranh không gian mạng hoặc các đợt bùng phát dịch bệnh.
Được tiến hành bởi Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến (DARPA) của bộ quốc phòng Mỹ, mục tiêu của dự án là phát triển thế hệ chip gọi là HIVE (Hierarchical Identify Verify Exploit - tạm dịch: hệ thống khai thác xác định nhận dạng phân cấp). Hệ thống này sẽ truy cập ngẫu nhiên, các điểm dữ liệu 8 byte từ bộ nhớ tổng quát của hệ thống, sau đó phân tích từng điểm dữ liệu một cách độc lập. Theo nhóm nghiên cứu, cách tiếp cận này sẽ giúp việc xử lý khối lượng dữ liệu lớn được nhanh hơn, đồng thời có thể ghép nhiều hệ thống HIVE lại với nhau để tạo nên một hệ thống có sức mạnh lớn hơn, đáp ứng được những mục tiêu đặt ra.
Trên thực tế, DARPA không phải là cơ quan đầu tiên muốn phát triển chip kiểu HIVE mà Intel, Qualcomm và Northrop Grumman cũng đã bước chân vào công nghệ này. Tất nhiên, sẽ còn khá lâu nữa thì những con chip HIVE mới thật sự hoạt động thật sự nhưng với sự tham gia của một cơ quan lớn như DARPA vốn nổi tiếng với các dự án "cung trăng" thì có lẽ quá trình sẽ được đẩy nhanh hơn rất nhiều. DARPA cho biết họ sẽ có thể dùng con chip này để nhận diện các dấu hiệu đầu tiên của tấn công mạng, các chuyên gia y tế có thể phát hiện được biểu hiện của các đợt bùng phát dịch bệnh,… từ đó đưa ra được biện pháp đối phó thích hợp.
