Hôm qua mình đọc một bài nói chuyện của Andy Rubin, cha đẻ Android, và ông cho rằng điện thoại vẫn đang được sáng tạo rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng ta - ở góc nhìn của người dùng cuối - lại không thấy sự thay đổi mạnh mẽ nào và chúng ta vẫn thường nói các hãng đã "bí" ý tưởng rồi. Thực chất những cái sáng tạo đó vẫn đang diễn ra, chỉ là diễn ra theo cách không hoành tráng, không thu hút nhiều sự chú ý như cách mà smartphone bùng nổ trong giai đoạn 3-4 năm trước mà thôi.
Trước: sáng tạo để khác biệt, để bán được hàng
Quay ngược lại giai đoạn được cho là sự "bùng nổ" của sáng tạo smartphone, đó là vào những năm 2007 khi iPhone lần đầu ra mắt. Nó giống như một quả bom kích nổ cho một thời kì mới hoàn toàn, thời kì của những cái điện thoại với màn hình full cảm ứng và chia tay dần những chiếc máy sử dụng bàn phím cứng lừng danh như BlackBerry hay các máy Symbian nổi tiếng của Nokia.
Đây là thời kì chuyển tiếp giữa những chiếc máy màn hình nhỏ, có bàn phím, hoặc những cái máy cảm ứng điện trở giật giật sang những thiết bị trơn mượt hơn, cảm ứng nhạy hơn và màn hình chiếm trọn mặt trước của điện thoại. Với một sự thay đổi lớn về ngoài hình như vậy, rõ ràng chúng ta có thể cảm nhận rõ những gì đang diễn ra, cách mà các hãng đang "sáng tạo" để thay đổi thiết bị của họ (và cũng để thích nghi với môi trường cạnh tranh mới). Màn hình, cảm ứng, thiết kế là những cái chúng ta có thể dễ dàng thấy, có thể dùng, có thể rờ vào, và những ấn tượng đó đã in sâu vào tâm trí của những người lần đầu tiên được xài một cái smartphone hiện đại.

Tới khoản năm 2010 - 2011, thị trường bắt đầu đông vui hơn với sự đổ bộ của hàng loạt chiếc smartphone mới. Lúc này có rất nhiều thiết bị chạy Android, do đó mỗi hãng phải cố gắng tạo được điểm nhấn riêng của mình nhằm nổi bật trong mắt người dùng và cũng để cạnh tranh được với iPhone đang mùa rực rỡ. HTC nghĩ về 3D không cần kính, giao diện ngầu, Samsung thì nghĩ về việc trang bị nhiều tính năng cho thiết bị của họ hay đi lấy một số điểm từ iPhone về sử dụng, LG cũng nghĩ tới 3D không cần kính, điện thoại vuông, Motorola thì sử dụng cơ chế trượt với bàn phím ngang (chiếc Motorola Milestone) hoặc hoài cổ với dòng RAZR siêu mỏng, trong khi Sony thì tập trung vào thiết kế độc đáo và khả năng Walkman nổi danh. BlackBerry thì cố gắng ra mắt thêm các điện thoại cảm ứng, trong khi Nokia thì cố làm cho Symbian hỗ trợ touch tốt hơn.
Giai đoạn này là lúc thị trường đông vui nhất, và cũng là lúc mà chúng ta có thể thấy được sự "sáng tạo" cao nhất từ các hãng. Cũng đúng thôi, họ buộc phải làm như vậy để có được chỗ đứng, bằng không sẽ bị gạt qua một bên lề và chết dần chết mòn. Tính ra thì giai đoạn này cũng khá vui đấy chứ, máy có đủ hình dạng, giao diện cũng đủ loại màu sắc, mấy tính năng vui vẻ xuất hiện cũng nhiều.

Nhưng câu hỏi đọng lại là người dùng thật sự cần cái gì, và điện thoại của anh, những thứ anh đã dành nhiều công sức để sáng tạo, có đáp ứng được nhu cầu của người dùng hay không? Điện thoại 3D rồi cũng chết vì hình chụp xong không phải ai cũng có TV 3D để xem, còn xem trên điện thoại không thì quá chán. Điện thoại vuông dùng thì vuông đấy nhưng lại khó thao tác, khó bỏ vào túi quần để di chuyển. Điện thoại bàn phím trượt rồi cũng tới lúc suy tàn vì những gì nó làm được thì điện thoại full touch cũng làm được. Hàng loạt chức năng hào nhoáng như tự cuộn trang theo mắt, cảm ứng không chạm màn hình... đều trở thành những thứ chỉ dành cho mục đích quảng cáo (marketing gimmick) và không giúp nhiều cho việc sử dụng máy của người dùng.
Hay nói cách khác, sự sáng tạo của các hãng đang không giúp trải nghiệm người dùng tốt hơn. Cái người dùng cần là một cái điện thoại đẹp, chụp hình ngon, nghe nhạc hay, chỉ đơn giản như vậy thôi. Đây mới chính là những thứ họ dùng hằng ngày, là những thứ mà họ đang không có máy tốt để đáp ứng, chứ không phải là các tính năng độc đáo vô cùng nhưng cả tháng chỉ đụng tới 1-2 lần rồi thôi. Người dùng muốn chi tiền cho cái họ thật sự xài, không phải cái mà các công ty dùng để chứng minh cho sự sáng tạo của họ.

Bây giờ: sáng tạo để trải nghiệm tốt hơn
Và các công ty hoàn toàn nhận thức được điều này. Có thể thấy rằng từ năm 2012 trở đi, những tên tuổi lớn của làng smartphone như Samsung, LG, HTC, Sony đều đã tập trung đi theo hướng làm cho trải nghiệm người dùng tốt hơn. Họ chăm chút hơn về thiết kế công nghiệp của chiếc điện thoại vì họ biết người dùng thích một cái máy đẹp và có chất riêng. Họ chăm chút hơn về camera vì họ biết khách hàng chụp ảnh rất nhiều và ngày càng nhiều hơn bằng smartphone. Họ chăm chút màn hình vì biết rằng khách giờ đã khó tính và đòi hỏi một chỗ đẹp để nhìn vào thường xuyên. Họ giảm đi những tùy biến của hệ điều hành vì Android ngày càng tốt hơn, nhanh hơn và đẹp mắt hơn, và cũng để khách hàng nhận được bản update sớm hơn.
Năm 2016 - 2017 là năm mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ nhất những điểm sáng tạo theo kiểu này. iPhone 7 Plus và Galaxy S7 tập trung rất nhiều vào camera với khả năng chụp tốt hơn, auto focus nhanh hơn, thêm khả năng zoom và xóa phông vốn là những thứ mà người dùng thật sự muốn dùng. Galaxy S8, LG G6, Xiaomi Mi Mix gây ấn tượng nhờ ngoài hình rất khác biệt với viền siêu mỏng và mặt trước cực kì sexy so với các sản phẩm khác. HTC U11 thì lặng lẽ dồn nỗ lực vào camera và thêm tính năng bóp để chụp ảnh trong khi Sony đánh mạnh vào camera và thiết kế đẹp mắt.

Không chỉ thế, Motorola còn ra mắt dòng Moto Z với khả năng thay nắp lưng phụ kiện. Cần camera ngon hơn? Có ngay. Cần máy chiếu? Có luôn. Cần mở rộng pin? Đây, Moto Mod nắp lưng tích hợp pin của bạn đây. Google thì nỗ lực xây dựng Project Ara với ý tưởng lắp ráp smartphone như cách bạn ráp một cái máy tính, nhưng hơi tiếc là dự án đã dừng lại vì giới hạn công nghệ và khả năng kinh doanh ở thời điểm hiện tại. Gần đây nhất có Essential Phone, chiếc điện thoại do cha đẻ Android xây dựng mới với khả năng lắp phụ kiện dùng USB Wireless làm kết nối để đảm bảo tính tương thích cho tương lai.
Rồi anh em có nhớ cách đây chỉ 2 năm thôi chẳng có chiếc flagship thực thụ nào có khả năng chống nước cả trừ các máy của Sony. Nhưng bây giờ thì sao? LG G6, Galaxy S8, iPhone 7 Plus, HTC U11 đều đã có khả năng kháng nước cả rồi. Đây chẳng phải là một nỗ lực lớn xứng đáng được ghi nhận sao?

Những thứ này nhắm cụ thể vào trải nghiệm sử dụng hằng ngày thay vì các tính năng hào nhoáng và gây bão. Cũng vì vậy mà chúng ta có cảm giác rằng các hãng smartphone đã chững lại, nhưng thực chất họ vẫn đang cố gắng từng ngày để giúp chúng ta có những cái điện thoại tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn và phục vụ ngon hơn cho những nhu cầu cần thiết nhất. Đồng ý là chúng ta cũng đang dần tiến tới một mốc bão hòa và sự cải tiến cũng không nhanh, đáng kể như trước, nhưng song song đó chúng ta cũng đang có những cái điện thoại tốt hơn mỗi ngày.
Tương lai: sáng tạo để cuộc sống tốt hơn
Điện thoại bây giờ không chỉ là điện thoại, nó còn là phương tiện để bạn làm việc, giải trí, để bạn kết nối với thế giới bên ngoài, để bạn giữ mình luôn được cập nhật. Nó còn là một vật trang trí cá nhân, một món trang sức, hay một người bạn đồng hành trên mọi nẻo đường. Đây là xu hướng chung, các công ty hoàn toàn có thể nhắm tới mục tiêu làm cho những chiếc điện thoại trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sóng của chúng ta. Chúng có nhiệm vụ làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn, và khi đạt tới giới hạn đó thì bạn chẳng cần quan tâm nhiều tới việc nó có sáng tạo hay không, bạn chỉ quan tâm là bạn có thích xài nó và xài có hữu dụng hay không, chỉ vậy thôi.
