Một khoảng trống chỉ 4" (~ 10 cm), bình thường thì chả ai giành nhưng vấn đề sẽ trở nên to tát khi chúng ta buộc phải ngồi trong một không gian hẹp như trên máy bay. Khoảng trống này chính là không gian ngã lưng của ghế trước và không gian trước mặt bạn khi ngồi sau. Cả bạn và người ngồi trước đều cần sự thoải mái, từ đó dẫn đến những tranh cãi, va chạm không đáng có trên máy bay. Vậy không gian này chính xác thuộc về ai?
Nhìn chung không gian này được cho là thuộc về người ngồi trên ghế bởi bạn bỏ tiền ra mua vé, chiếc ghế có thể ngã lưng ra sau, do đó bạn sẽ mặc định nghĩ bạn có quyền ngã lưng, chiếm dụng phần không gian phía sau. Nếu bạn vẫn ngồi thẳng thì người ngồi sau bạn chắc chắn sẽ cảm ơn lắm lắm bởi họ có không gian trống để tận dụng, có thể là dùng bàn ăn, cầm báo đọc, duỗi chân thoải mái hơn và dễ thở hơn. Tuy nhiên, họ cũng sẽ lo ngại rằng phần lưng ghế này có thể chuyển động được nên không gian ít ỏi đó có thể bị thu hẹp bất cứ lúc nào.

Vậy liệu chăng những xung đột này có thể được phòng tránh nếu đem khoảng trống 4" nói trên ra đấu giá? 2 giáo sư về luật gồm Christopher Buccafusco và Christopher Jon Sprigman đã thực hiện một cuộc khảo sát với xuất phát điểm này.
Mục tiêu của họ là tìm hiểu xem liệu sự thoải mái của người ngồi trên ghế khi ngã lưng ảnh hưởng lớn như thế nào đến sự thoải mái của người ngồi sau khi mất không gian này. 2 sự thoải mái được đưa lên bàn cân và tính tiền để xác định người ngồi trên ghế sẽ sẵn sàng trả bao nhiêu tiền để được quyền ngã lưng ra sau và so sánh với số tiền mà người ngồi sau muốn bán khoảng không gian quý giá trước mặt.
Trong một cuộc khảo sát trực tuyến, những người tham gia được đưa vào một tình huống như sau: họ đang trên một chuyến bay kéo dài 6 giờ từ New York đến Los Angeles. Các nhóm người khảo sát được thông báo là hãng hàng không đã đưa ra một chính sách mới cho phép hành khách chi tiền để người ngồi trước không được ngã lưng ghế ra sau. Một nhóm được hỏi về việc nếu người ngồi sau muốn mua thì họ (người ngồi trên ghế phía trước) muốn bán sự thoải mái này bao nhiêu. Nhóm còn lại được yêu cầu xác định khoản tiền mà họ dự định sẽ trả để đổi lấy việc người ngồi trước sẽ không được ngã lưng ra sau trong suốt chuyến bay.

Theo học thuyết của Ronald Coase - người từng được trao giải Nobel kinh tế năm 1991 thì không gian giữa những ghế ngồi trên máy bay là một nguồn tài nguyên rất khan hiếm. Do đó vấn đề ở đây không phải là ai sở hữu không gian này ban đầu mà "thị trường sẽ lên tiếng", tức là bất cứ ai đánh giá cao không gian này hơn thì họ sẽ mua nó từ người khác và trong trường hợp này, người ngồi trên ghế là người muốn có không gian này nhất.
Tuy nhiên, nếu đảo ngược lại, chẳng hạn như hãng hàng không có chính sách không cho người ngồi trên ghế quyền ngã lưng ra sau mà họ phải thương thuyết với người ngồi sau để được làm điều này thì giá trị được 2 đối tượng hành khách đưa ra ngay lập tức đảo ngược. Theo đó người ngồi trên ghế trước chỉ muốn trả khoảng $12 để ngã lưng trong khi người ngồi sau không muốn bán khoảng không gian trước mặt mình với giá thấp hơn $39. Tỉ lệ "sang tay" quyền lợi này cũng tăng lên thành 28%.
Như vậy nếu nói theo cách của Ronald Coase thì không phải cứ đánh giá cao hơn là sẵn sàng mua bởi rõ ràng khi quyền lợi không được trao ngay từ ban đầu mà bị ép buộc phải thương lượng thì giá trị của không gian ngã lưng ngay lập tức bị đảo ngược. Thế nhưng, hành vi của hành khách cũng phản ánh một yếu tố trong nghiên cứu của Daniel Kahneman - nhà kinh tế học hành vi nổi tiếng thế giới. Trong đó ông cho rằng yếu tố sở hữu của mỗi con người tác động đến kèo mua bán nói trên:
"Con người nhìn chung không muốn mất đi những thứ họ có. Khi một nguồn tài nguyên được cung cấp cho họ theo mặc định, thậm chí một thứ gì đó rất tầm thường như cây bút thì con người vẫn có xu hướng không sẵn lòng từ bỏ nó. Kết quả là, khoản tiền ít nhất mà họ sẵn lòng chấp nhận để nhường lại khoảng trống sau ghế thường lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền mà họ sẵn sàng bỏ ra để mua lại một thứ tương tự."
