Cách tạo neo cảm xúc (anchoring) trong kỹ thuật NLP
Cách tạo neo cảm xúc (Anchoring) là một là một phương pháp hữu ích trong các kỹ thuật NLP, giúp tạo ra một tâm trạng hay cảm xúc cụ thể nào đó, chẳng hạn như niềm vui hay cảm giác thư giãn. Nó thường dùng một động tác, một cử chỉ, hay một từ ngữ nào đó làm cái “mỏ neo,” nhằm neo chặt lại một cảm xúc bạn muốn có; để về sau, khi muốn có được cảm xúc ấy, thì bạn chỉ cần “giật” lại cái “mỏ neo” kia là cảm xúc đã neo lại trở về.
Kỹ thuật tạo neo cảm xúc dựa trên cơ chế phản xạ có điều kiện
Hẳn bạn nhớ đến thí nghiệm nổi tiếng về phản xạ có điều kiện (Conditioned Response) ông Ivan Pavlov?
Thấy rằng ngay trước khi thức ăn được đưa đến miệng, chó thường tiết ra nước bọt, ông Pavlov cho rằng thức ăn là tác nhân làm kích thích phản ứng sinh lý cơ thể của chó bằng cách khiến nó tiết ra nước bọt nhiều lên.
Cảm thấy hứng thú với điều này, Pavlov đã thử nghiệm sâu hơn bằng cách trước khi cho chó ăn, ông dùng một số loại tác nhân kích thích khác nhau như chuông, tiếng huýt gió, dụng cụ gõ nhịp, và âm thoa.
Và ông nhận thấy rằng đã xảy ra một tình trạng kết nối trong thần kinh giữa tác nhân kích thích có điều kiện (chuông, v.v.) với tác nhân kích thích vô điều kiện (thức ăn), và điều này cũng tạo ra một phản ứng tương tự (tiết nước bọt nhiều lên). Xa hơn, ông lưu ý rằng sau một số lần lặp đi lặp lại, mối liên kết Kích thích/Phản ứng giữa tác nhân kích thích có điều kiện với phản ứng trở nên mạnh mẽ đến độ chó sẽ tiết nước bọt ngay sau khi tiếng chuông rung lên mà không cần phải có thức ăn ở đó.
Trong NLP, kỹ thuật tạo neo cảm xúc cũng sử dụng lại những nguyên lý kích thích/phản ứng vừa kể.
Chỉ cần nối kết một phản ứng muốn có với một tác nhân kích thích nào đó, thì qua một số lần lặp lại, hai thứ đó sẽ liên kết chặt chẽ với nhau. Để rồi về sau, khi tác nhân kích thích kia xuất hiện, thì phản ứng ấy cũng sẽ tự động và tự nhiên xuất hiện kèm theo.
6 bước tạo neo cảm xúc trong NLP
- Bước 1: Hồi tưởng cảm xúc
Trước tiên, hãy chọn một cảm xúc mà bạn muốn tạo neo cho nó (thí dụ, bạn muốn cảm thấy tự tinhơn). Và bạn hãy bắt đầu hình dung nhớ lại một lần nào đó trong quá khứ lúc bạn thấy mình tự tin nhất từ trước đến giờ.
- Bước 2: Tái tạo trải nghiệm đó và gia tăng cường độ cho nó
Bạn hãy dùng trí tưởng tượng để tái tạo lại lần trải nghiệm cảm xúc tự tin của mình trong quá khứ.
Lần đó, bạn nhìn thấy những gì, thì lúc này hãy thấy lại những điều đó. Hãy vẽ ra trong đầu một bức tranh về những điều đã thấy sao cho thật chi tiết, rõ ràng, sắc nét, có màu sắc sống động. Giống như lần trải nghiệm đó đang tái diễn lại trong tâm trí bạn lúc này với cường độ rất mạnh.
Lần đó, bạn nghe được những gì, thì lúc này, hãy nghe lại những âm thanh đã nghe lúc đó. Hãy tăng âm lượng lên để nghe cho rõ mồn một từng âm thanh, tiếng nói.
Lần đó, bạn cảm thấy tràn đầy tự tin thế nào, thì lúc này, hãy cảm nhận lại cảm xúc tự tin tràn đầy đó. Hãy hình dung cảm xúc ấy đang sống lại, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cảm xúc ấy đang tuôn chảy khắp cơ thể bạn trong lúc này. Cảm xúc ấy đang chảy càng lúc càng nhanh. Và bạn hãy để ý xem nó chạy từ trên xuống hay từ dưới lên, từ trái qua phải hay ngược lại?
- Bước 3: Khi cảm xúc đạt đỉnh, hãy neo chặt nó lại
Sẽ đến một lúc, cảm xúc bạn hồi tưởng sẽ tăng dần và đạt đỉnh. Và đây là lúc bạn cần neo chặt nó lại, ngay tại đỉnh điểm của nó.
Để neo cảm xúc đó, bạn hãy dùng một động tác hay cử chỉ nào đó, chẳng hạn bạn lấy chạm ngón trỏ và ngón cái vào nhau và xoa nhẹ, hoặc búng tay một cái bằng ngón trỏ và ngón giữa, hoặc đưa tay giật dái tai bạn xuống, v.v.
- Bước 4: Ngắt cảm xúc đó đi
Khi cảm xúc đã lên đỉnh điểm rồi, thì sau đó chắc chắn nó sẽ đi xuống lại. Và khi neo, bạn cần neo cảm xúc khi nó ở đỉnh điểm, chứ không phải lúc nó bắt đầu đi xuống. Như vậy, sau khi neo xong, bạn hãy ngắt cảm xúc đó đi bằng cách làm một thứ gì đó khác; chẳng hạn, bạn nghĩ về một chuyện gì khác, hoặc nói chuyện với ai đó, để tạm quên cái cảm xúc kia đi.
Sau một lúc, bạn hãy lặp lại động tác hay cử chỉ bạn đã dùng để neo lúc nãy. Và lúc này, khi bạn làm như vậy, cảm xúc kia sẽ lại xuất hiện trở lại.
- Bước 5: Lặp đi lặp lại
Nếu thấy chiếc neo cảm xúc của bạn còn yếu – nghĩa là mỗi lần bạn “thả neo,” cảm xúc kia xuất hiện yếu ớt không như ý bạn muốn – thì bạn nên lặp đi lặp lại từ đầu các bước ở trên, cho đến khi nào bạn thấy nó trở nên chắc chắn.
- Bước 6: Gia cố chiếc neo NLP
Nếu bạn “thả neo” tốt, thì chiếc neo cảm xúc đó sẽ kéo dài khá lâu. Tuy nhiên, để đảm bảo nó vẫn “chạy tốt” về sau, thỉnh thoảng, bạn nên lặp đi lặp lại các bước neo cảm xúc như hướng dẫn ở trên.
Các tiêu chí để thiết lập các neo cảm xúc NLP
Phía trên là các bước giúp bạn neo một cảm xúc mong muốn. Tuy nhiên, việc “thả neo” của bạn thành công hay thất bại là nhờ vào một số yếu tố quan trọng khác. Do đó, bạn cần đọc kỹ phần này để hiểu rõ và áp dụng nhằm đạt được tối đa hiệu quả khi dùng kỹ thuật tạo neo cảm xúc với NLP.
Và đây là năm chữ bạn cần ghi nhớ: I.T.U.R.N. Trong đó: – Intensity (Độ mạnh), Timing (Đúng lúc), Uniqueness (Độc nhất), Replication (Lặp lại chính xác) và Number of times (Số lần).
- I – Độ mạnh
Các mỏ neo sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi chúng được liên kết với những trạng thái cảm xúc có cường độ cực mạnh – chẳng hạn, niềm hạnh phúc vỡ oà, sự tập trung cao độ, sự hưng phấn cao trào.
Mạnh nhất là loại trạng thái có các cảm xúc đang diễn ra tự nhiên trong hiện tại, bạn chộp lấy và neo nó lại ngay đúng lúc nó đang xảy ra.
Mạnh tiếp theo là loại trạng thái có các cảm xúc bạn tái hiện lại trong tâm trí bằng những hồi tưởng rõ nét.
Còn nếu muốn neo một thứ cảm xúc nào đó mà bạn chưa từng trải qua để có thể hình dung nhớ lại, thì bạn hãy làm cách này:
- Nghĩ về một người mà bạn biết. Người này đã trải qua kinh nghiệm cảm xúc ấy.
- Nếu không có người nào bạn biết đã trải nghiệm cảm xúc ấy, thì bạn hãy nghĩ về ai đó khác cũng được, miễn sao người đó đã trải qua cảm xúc này – thí dụ, một nhân vật trên truyền hình, một người nổi tiếng trong lịch sử, hoặc thậm chí một nhân vật trong sách vở hay phim ảnh.
- Và đứng từ góc nhìn quan sát, bạn hãy nhìn ngắm kỹ lưỡng và mô tả thật chi tiết những trải nghiệm cảm xúc của người kia: trông họ lúc đó thế nào? Họ có những cử chỉ hay hành động nào? Họ nói gì? Có những gì đang diễn ra quanh họ? v.v.
- Rồi tưởng tượng bạn đang bước vào cơ thể của người đó, và sống lại cái trạng thái kinh nghiệm mà họ đã trải qua – bạn có cảm giác thế nào? Bạn nói điều gì với mình trong tâm trí? Bạn có thể thấy được điều gì qua đôi mắt của người đó? Nghe được những gì qua đôi tai người đó?
Và đến lúc nào đã cảm nghiệm đầy đủ và trọn vẹn trạng thái cảm xúc bạn muốn có, thì bạn hãy bắt đầu thả neo cảm xúc.
- T – Đúng lúc
Các mỏ neo chỉ hoạt động tốt nhất khi bạn thả chúng ra đúng thời điểm. Lý tưởng mà nói, thích hợp nhất để đưa tác nhân kích thích vào (tức là thả neo) là thời điểm ngay trước khi cảm xúc của bạn sắp sửa đạt đến trạng thái cực đỉnh. Thả neo sớm quá hoặc muộn quá thì hiệu quả sẽ không nhiều hoặc không có.
- U – Độc nhất
Tác nhân kích thích mà bạn dùng làm neo phải có tính chất độc nhất vô nhị. Nghĩa là mỏ neo bạn thả phải có cái gì đó độc đáo chưa bao giờ có thì mới neo cảm xúc hiệu quả được. Cụ thể, bạn hãy chọn một động tác hay cử chỉ nào đó mà bình thường hiếm khi bạn làm.
- R – Lặp lại chính xác
Lặp lại chính xác ở đây có nghĩa là thế này: khi đã chọn một động tác nào đó để làm mỏ neo cảm xúc, thì hễ lúc nào lặp lại động tác đó, bạn đều phải làm chính xác các bước như những gì mình đã làm lúc đầu.
Chẳng hạn, nếu bạn chọn động tác vỗ đùi hai cái, thì hãy để ý đến tay vỗ, sức vỗ, âm thanh khi vỗ, nhịp nhanh hay chậm, v.v. để mỗi lần lặp lại nó, bạn đều làm đúng chính xác như vậy. Tránh trường hợp lúc thì vỗ bằng tay phải, khi thì tay trái, lúc thì nhanh, khi thì chậm, v.v.
- N – Số lần
Càng được thiết lập nhiều lần, thì một chiếc neo cảm xúc sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn, và tự động hơn. Việc thiết lập một chiếc neo cảm xúc nhiều lần được gọi là kỹ thuật stacking (xếp chồng neo) trong NLP. Trong một bài viết khác, mình sẽ giải thích rõ điều này.