Thứ 6 vừa rồi mình có cơ hội cùng 7 anh em anti-fan BKAV đi thăm chính trụ sở và nhà máy của thương hiệu này để tìm hiểu về văn hoá, suy nghĩ, quy trình làm ra Bphone cũng như trao đổi thẳng thắn với đội ngũ lãnh đạo. Buổi đi thăm có thể chia làm 3 phần chính thì anh Quảng, CEO của BKAV đã trực tiếp đi và giới thiệu trên 2/3 chặng đường. Buổi nói chuyện và tham quan này được thực hiện trên tinh thần chia sẻ thẳng thắn, nói thẳng nói thật và nếu đã sợ thì không đến.
Lần này có 7 anti-fan từ khắp các nơi như Điện Biên, TP.HCM, Đồng Nai, Hà Nội... đại diện cho các anh em anti-fan chân chính tới BKAV. Và mình sẽ là người tường thuật lại, mình cố gắng ghi chép đầy đủ và kể lại những gì mình còn nhớ được để các bạn anti-fan khác có thể xem lại. Đây đều là những anh em anti rất có tâm, có anh nói rằng chỉ khi Bphone ra thì mới anti BKAV và nếu không có anh Quảng thì có lẽ mọi chuyện đã tốt hơn rồi...

Bộ phận thiết kế kiểu dáng
Đây là bộ phận đầu tiên mà bọn mình được ghé thăm, là nơi thiết kế ra kiểu dáng bên ngoài cũng như các chi tiết để cấu thành chiếc smartphone hoàn thiện. Kỹ sư của BKAV chủ yếu trình bày về những đặc điểm nổi bật trên điện thoại Bphone cho anh em anti-fan hiểu rõ hơn và "không như mọi người nghĩ". Anh Quảng và đội ngũ nói rằng sẽ đi theo chiều hướng tối giản, trau chuốt trong thiết kế. Ở Bphone đời đầu ra mắt 2015 thì BKAV muốn nó phải khác biệt, dẫn tới một điện thoại có kiểu dáng khá lạ lẫm khi đó là hai cạnh trên dưới uốn cong nhưng qua 2016 thì họ nhận thấy rằng khác biệt không phải là hướng đi, vì thế trên Bphone 2017 thì họ quay về kiểu dáng công nghiệp truyền thống, tức là nó giống hầu hết các điện thoại với các góc bo tròn.
Chủ thể ở Bphone là màn hình và các đường cong, các kỹ sư cũng cố gắng thiết kế để giảm tối đa khe hở giữa màn hình và khung nhôm. Khi được một thành viên hỏi liệu có chủ đích gì khi các hãng khác có khe hở như vậy thì các kỹ sư BKAV nói có thể để giảm lực cho màn hình khi bị rơi nhưng trên Bphone thì nó được thiết kế cong để hấp thụ tốt lực nên không cần có khe hở nữa. Đó là lý do khi cầm một sản phẩm các bạn sẽ thấy cảm xúc còn vài sản phẩm khác thì không bởi họ có triết lý thiết kế riêng chứ không phải copy.
Bộ phận thiết kế linh kiện, PCB
Bphone 2017 có khoảng 900 linh kiện, đây là bộ phận chịu trách nhiệm sắp xếp, thiết kế và bố trí sao cho 900 linh kiện này nhét vừa vào Bphone và hoạt động hiệu quả, không ảnh hưởng tới những thứ khác. Kỹ sư phần cứng của Bphone đã cho mọi người thấy bản vẽ chi tiết về 900 linh kiện này, từ những thứ nhỏ nhất như tấm film mỏng 0,25mm hay những con ốc.
Tản nhiệt cũng là một vấn đề và BKAV nói họ đã giải quyết được để Bphone luôn mát khi hoạt động, nếu tấm tản nhiệt lớn sẽ ảnh hưởng tới antenna nhưng nếu nhỏ thì không đủ thoát nhiệt cho máy. Tản nhiệt theo trục Z từ CPU ra rất quan trọng bởi nhiệt sẽ được ép từ trên xuống và lan tỏa đi 4 xung quanh. Dung sai cũng rất được quan tâm để cho một sản phẩm trau chuốt nhất, trước khi Bphone 2017 ra mắt thì các kỹ sư của BKAV phải thay đổi tấm ép nhựa từ 0,25 lên 0,30mm để cho các phần tiếp giáp giữa kính và khung nhôm được liền lạc nhất vì họ phải thay đổi lực ép.

Sau đó, mọi người được cho xem quá trình drop-test Bphone. Anh Quảng nói không chia sẻ rộng rãi video này bởi thiết bị test là cây nhà lá vườn nên không muốn khoe cho mọi người. Quá trình test này khá đơn giản là thả rơi tự do Bphone ở nhiều độ cao khác nhau xuống nền đá hoa cương và sau đó đánh giá tác động lên máy.
Bảng mạch 12 lớp của Bphone dày 0,8mm và chứa khoảng 800 linh kiện với 4500 chân. Với Bphone 2015 họ đã làm chủ thiết kế bảng mạch in này (PCB), đội ngũ được chuyển từ bộ phận Smart Home từ 2010. Ban đầu, Qualcomm từ chối BKAV để cung cấp chip nhưng họ đã nỗ lực rất nhiều để có được sự đồng ý từ Qualcomm. Ban đầu, BKAV phải dùng chip của Freescale để chứng tỏ tiềm lực và khát vọng với Qualcomm nhưng do Freescale chỉ cung cấp chip AP (Application Processor) nên không có chip baseband để xử lý các kết nối mạng, vì thế BKAV lấy mô-đun baseband của Huawei và chạy thành công mạch đó năm 2014. Anh Quảng cũng chia sẻ về những khó khăn bởi BKAV là hãng nhỏ chưa có tiềm lực nên việc hợp tác với các hãng toàn cầu như Qualcomm rất khó khăn, nếu Qualcomm sẵn sàng gửi hàng trăm kỹ sư để hợp tác với Xiaomi thiết kế CPU thì với BKAV thì chỉ một kỹ sư làm việc cùng.
Bảng mạch in PCB của Bphone 2015 được BKAV thiết kế và nhờ một đối tác Trung Quốc gia công (in và hàn mạch) nhưng sang tới Bphone 2017 thì đối tác được thay thế bởi Meiko, một nhà làm bảng mạch lớn của Nhật đặt tại Việt Nam. Do những giải thích này nên anh em khá lấn cấn vụ BKAV sản xuất được gì trên Bphone và tỉ lệ nội địa hóa như nào. Tất cả đã được giải thích rõ ràng rằng BKAV tự thiết kế những gì, nhờ đối tác làm những gì và mua những linh kiện gì. Có bạn nhầm lẫn rằng việc nhập linh kiện về lắp thì chưa gọi là Made in Vietnam được nhưng không phải, hay có bạn chưa hiểu rõ về tỉ lệ nội địa hóa, đó là con số được quy định bởi Bộ Công Thương và Bphone 2017 có tỉ lệ nội địa hóa 63%.
Phần mềm và BOS
Khi được hỏi rằng tại sao Bphone 2 ra mắt vẫn có lỗi về phần mềm thì anh Quảng nói đó là chuyện có thể chấp nhận bởi không hãng nào có thể tránh khỏi, phần mềm nào cũng đều có lỗ hổng hay lỗi lúc ban đầu. Nhưng khác với phần cứng thì phần mềm còn có thể tự sửa qua các bản cập nhật, anh Quảng nói Bill Gates giàu nhất thế giới vì ông bán phần mềm chứ không phải phần cứng.
Rất nhiều người thắc mắc về hệ điều hành BOS và cho rằng nó chỉ là launcher mà thôi, BKAV cũng giải thích rõ điều này. Họ nói BOS không phải launcher mà là một hệ điều hành được phát triển dựa trên Android và họ can thiệp vào những tầng sâu hơn là các hãng làm launcher. Android bao gồm 5 tầng với tầng sâu nhất là nhân Linux được Google chỉnh sửa, tầng trên cùng là giao diện, là cái mà các bạn thấy bằng mắt bao gồm Home, các ứng dụng và nhiều thứ nữa.
Nhà máy của BKAV
Tiếp theo sau khi rời trụ sở thì bọn mình được tham quan nhà máy BKAV ở Mỹ Đình, tức là cách vài phút đi xe từ trụ sở chính. Đây vẫn là nhà máy từ Bphone 2015 để làm khuôn và lắp ráp cũng như kiểm tra Bphone trước khi bán ra. Nhà máy này có quy mô nhỏ bao gồm các bộ phận cắt CNC khung nhôm, bộ phận lắp ráp, kiểm tra và đóng gói sản phẩm. Bộ phận cắt phay CNC sẽ đảm nhiệm tạo ra các mẫu sản phẩm thử nghiệm Bphone cho quá trình phát triển bởi trước đây thì họ nhận thấy đi nhờ đối tác làm sẽ rất mất thời gian dẫn tới chậm trễ ra mắt sản phẩm nên họ tự mua máy, đầu tư và làm. Việc làm khung nhôm hàng loạt sẽ do một đối tác khác có nhà máy tại Bắc Giang đảm nhận.
Dây chuyền lắp ráp Bphone được chia làm hai khu, trong đó bao gồm một khu phòng sạch không có bụi để lắp ráp những chi tiết nhạy cảm. Dây chuyền lắp ráp hiện tại của BKAV có khoảng 40 nhân viên và mỗi máy sẽ mất khoảng 3 tiếng để hoàn thiện vì thế với mỗi ca làm mỗi ngày sẽ cho ra khoảng hơn 100 máy trên mỗi dây chuyền. Anh Quảng có chia sẻ nếu sau này bán ra nhiều hơn thì sẽ đầu tư nhiều dây chuyền hơn và tăng ca sản xuất.
Quá trình thử nghiệm Bphone trước khi bán ra cũng được giới thiệu, bao gồm thử camera, âm thanh, các chức năng, sóng... Quá trình thử này cũng khá bình thường với một bảng nhiều màu sắc để test camera hoặc âm thanh cũng tương tự vậy. Nói về tiêu chuẩn IP68, BKAV từng đưa thông tin Bphone 2017 có tiêu chuẩn IP68 nhưng sau đó gỡ xuống để tránh những vướng mắc liên quan tới bảo hành. Họ nói máy của họ vẫn có tiêu chuẩn IP68 nhưng không nói điều đó mà chỉ nói máy kháng nước ở những trường hợp như chẳng may rơi rồi nhặt lên hay bị nước mưa vào. Bphone hiện khá nhạy cảm nên tránh điều đó cũng là bình thường bởi những hãng khác có nói kháng nước IP68 nhưng cũng không chấp nhận bảo hành nếu nước vào. BKAV muốn tránh tối đa những tranh cãi về Bphone bởi với họ như thế là đủ rồi.
Nhà máy của đối tác Daehan
Đảm nhận gia công khung nhôm cho Bphone 2017 là đối tác Daehan từ Hàn Quốc. BKAV thực chất mới hợp tác với Daehan từ tháng 9 năm nay để gia công khung nhôm cho Bphone. Từng khối nhôm sẽ được chuyển cho Daehan và dây chuyền hàng trăm máy CNC của họ sẽ làm để cho ra khung nhôm đã anodize hoàn chỉnh và chuyển cho BKAV. Daehan nói họ có 100 máy CNC với năng suất 1200 sản phẩm mỗi ngày và có thể lên tới 2400 sản phẩm nếu cần. Mỗi máy CNC này có 3 khay để gia công 3 khung nhôm một lần.
Sau đó thì mọi người còn ngồi nói chuyện và đặt những câu hỏi cho đại diện BKAV một hồi lâu nhưng để đảm bảo tính riêng tư và tự nhiên nhất cho mỗi câu hỏi thì mình không ghi hình và tường thuật lại đoạn này. Đại khái là những câu hỏi rất khó và thẳng thẳn dành cho BKAV. Anh em cũng đưa ra lời khuyên cho anh Quảng, cho BKAV để tránh những hiểu lầm không đáng có, hay như thay đổi cách truyền thông để tránh những tranh cãi.
