Sau vụ khủng bố tại San Bernardino, California vào năm 2015, FBI nhận thấy rằng bản thân họ không tài nào mở khóa được chiếc iPhone 5C của một trong số những tay súng đã bị bắn hạ. FBI đã yêu cầu Apple giúp đỡ bằng việc đòi quả táo phát triển một phiên bản iOS có thể tùy biến, cho phép đội ngũ điều tra nhập mật khẩu số (passcode) bao nhiêu lần cũng được mà không bị khóa máy, mục tiêu là phải mở bằng được iPhone đã khóa và dĩ nhiên Apple từ chối. Những chiếc iPhone đời mới giờ đây dùng vân tay hay khuôn mặt để mở khóa, và điều này khiến các lực lượng hành pháp như FBI cảm thấy đơn giản hơn khi muốn truy xuất dữ liệu từ chiếc iPhone của nghi phạm, thậm chí khi nghi phạm đã chết, không còn đọc được passcode nữa thì họ vẫn có thể dùng ngón tay của nghi phạm để mở.
Theo Forbes, cảnh sát và các nhân viên hành pháp tại Mỹ trong thời gian tới sẽ được phép truy xuất dữ liệu trên các thiết bị đã bị khóa vĩnh viễn bởi dấu vân tay của người sở hữu dù họ đã chết. Khi được hỏi về vấn đề này, nhiều nguồn tin độc lập, thân cận với các cơ quan cảnh sát tại địa phương và liên bang thuộc New York và Ohio xin giấu tên cho biết việc sử dụng dấu vân tay của người chết để mở khóa chiếc điện thoại của họ, ở đây là Apple iPhone - một thiết bị có độ bảo mật cao với dữ liệu được mã hóa nhiều lớp, không phải là hiếm mà ngược lại rất phổ biến trong những năm gần đây.
Một ví dụ, kỹ thuật này thường được dùng trong các vụ án tử vong do dùng ma túy quá liều. Từ điện thoại của nạn nhân, cảnh sát có thể lần đầu mối của những tay buôn hàng trắng.
Trước các rào cản pháp lý về việc có nên ngăn lực lượng hành pháp đặt ngón tay của người đã chết lên một chiếc iPhone để mở khóa thì giới làm luật đưa ra lập luận rằng: "Người đã chết không được hưởng quyền riêng tư." Hay nói cách khác, khi cần truy xuất thiết bị của người đã chết, lực lượng hành pháp không cần xin lệnh khám xét.
