Reddit, Alok Kanojia, một bác sỹ tâm lý từng tốt nghiệp đại học Harvard đã có một buổi AMA (Ask Me Anything - Một dạng trả lời mọi câu hỏi của những user Reddit đặt ra). Vị bác sỹ tâm lý này chia sẻ ngay ở đầu bài viết rằng anh từng suýt bị đuổi học vì ham game quá mức dẫn tới việc điểm số không được tốt. Sau đó may mắn thay anh đã trở lại đúng hướng và giờ đang là một bác sỹ tâm lý tại bệnh viện McLean, điều trị cho những trường hợp phụ thuộc quá mức một thứ gì đó, nói đơn giản là... nghiện.
Cũng vì lý do này mà ở dưới phần comment có rất nhiều câu hỏi liên quan tới game, từ tâm lý của những người chơi game online vì sao nhiều kẻ xấu tính đến vậy, cho tới tác động tiêu cực của việc ham game quá mức. Dĩ nhiên trong topic có rất nhiều câu hỏi và câu trả lời chất lượng về sức khỏe tâm thần và tâm lý học nói chung, nhưng mình sẽ nhặt ra vài câu hỏi liên quan tới game. Anh em có thể theo dõi topic gốc tại đây.
Dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi cũng như câu trả lời cho anh em tham khảo:
Hỏi: Đã bao giờ trong quá trình làm việc anh phát hiện ra sự tương quan giữa việc chơi game quá mức và tình trạng lo âu/trầm cảm của một người chưa? Nếu có, liệu chữa trị chứng trầm cảm hoặc lo âu nói trên có khiến cho mức độ ham muốn chơi game giảm theo hay không?
Đáp: Dĩ nhiên là có, luôn tồn tại mối tương quan giữa tình trạng bệnh lý về tâm lý và nhu cầu chơi game hoặc các hình thức giải trí khác, hoặc nguy hiểm hơn là sử dụng chất gây nghiện. Dù rằng điều trị những trạng thái tâm lý tiêu cực này không đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ bớt phụ thuộc vào game hay hóa chất, nhưng việc cai nghiện cũng sẽ dễ hơn nhiều.
Hỏi: Làm cách nào để phân biệt giữa một người nghiện game và một người chơi nhiều đơn giản vì họ thích game đó?
Đáp: Cách đơn giản nhất là nhìn nhận việc chơi game có ảnh hưởng tiêu cực tới những công việc khác ngoài đời thật của họ hay không. Tôi có vài người bạn chơi game hơn 40 tiếng 1 tuần, nhưng họ vẫn thoải mái với cuộc sống của mình, vẫn công ăn việc làm đàng hoàng. Nhưng mặt khác cũng có người bạn chơi game hơn 60 tiếng một tuần, vẫn thất nghiệp và sống cùng bố mẹ. Nếu bạn chơi game quá nhiều và vẫn lo lắng về cuộc sống cũng như định hướng của bản thân, thì đó chính là vấn đề.

Hỏi: Có vẻ như nghiện game rất giống với nghiện cờ bạc về mặt triệu chứng. Anh so sánh hai tình trạng tâm lý này như thế nào?
Đáp: Đúng là nhìn vào triệu chứng thì chúng rất giống nhau. Trong số những bệnh lý nghiện, nghiện game và nghiện cờ bạc đòi hỏi con nghiện phải tìm hiểu và luyện tập rất nhiều, như một nghề nghiệp nghiêm túc trong đầu họ vậy. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì bản chất hai bệnh lý nghiện này gần như khác nhau hoàn toàn về mặt mục đích. Một số con nghiện game chơi quá nhiều vì vị trí xã hội của họ không được như trong thế giới ảo, còn đối với cờ bạc, đó là cảm giác ăn thua.

Hỏi: Tôi lớn lên cùng game, chơi khá nhiều, và có cảm giác nó gây nghiện không khác gì ngồi xem TV cả. Cả hai việc đó đều khiến đời sống xã hội ngoài đời thật bị ảnh hưởng nặng nề. Theo anh thì việc phụ thuộc quá mức vào game và TV có khác biệt gì nổi bật hay không?
Đáp: Dĩ nhiên có chứ. Khi ngồi xem TV, không có cảm giác con người đang hoạt động, chỉ là ngồi ỳ một chỗ và nhìn màn hình, không có chút gì liên quan tới bản sắc cá nhân cả. Còn khi chơi game, bạn phải tương tác với người chơi khác, với nhân vật trong game, và nó có tính xã hội hóa cao hơn nhiều những dạng media khác. Tôi đã từng mời một anh bạn chơi game chung 15 năm trời chưa gặp bao giờ đến lễ cưới. Chơi game, có được những thành tựu trong thế giới ảo đem lại cảm giác tự hào kha khá, thứ mà TV không thể có được. Thứ giống nhau duy nhất giữa việc chơi game và xem TV là chúng đều khiến não bộ và cơ thể tiết ra dopamine khiến bản thân cảm thấy thỏa mãn mà thôi.

Hỏi: Tôi chơi game nhiều quá, lúc nào cũng có cảm giác thèm chơi. Tôi biết đó là một thói quen rất xấu nhưng không có thứ gì đem lại cảm giác thỏa mãn như việc ngồi chơi game. Tôi có bằng đại học, có công việc ổn định, nhưng không có thứ gì trong số đó khiến bản thân vui sướng như lúc chơi game cả. Dĩ nhiên công việc không bị ảnh hưởng, nhưng không vui chút nào cả. Tôi biết nó chỉ là niềm vui ảo nhưng không chống lại được.
Đáp: Ca này khó đấy, nhưng tôi từng giúp vài người như bạn rồi. Có khả năng cao là cơ chế nhận diện thành tựu và phần thưởng của hệ thống thần kinh trong cơ thể bạn bị game làm ảnh hưởng rồi. Bản thân con người luôn có một hệ thống tạo ra cảm giác khoái lạc khi vượt qua một thử thách nhất định. Xưa kia người tối cổ chỉ cần đi xa hơn một chút, săn được con thú to hơn con hôm trước đã cảm thấy thỏa mãn, đó là hệ quả của hệ thống đó. Đó cũng chính là lý do con người thường có xu hướng ủng hộ những người dám đối mặt với thử thách lớn.
Khi người ta chơi game, họ cảm nhận được khoái cảm tương tự trong cơ thể và não bộ, và rất dễ khiến những thành tựu khác trong cuộc sống trở nên nhàm chán. Điều bạn nên làm hiện tại là hãy khám phá những giá trị của bản thân. Bạn thực sự quan tâm tới điều gì? Mục tiêu của bạn là gì? Bạn đang không phải một kẻ thất bại, nhưng cũng không tiến về phía trước như kế hoạch đã định. Thứ bạn thiếu trong cuộc sống là ý nghĩa và bổn phận. Những thứ đó cần quan sát, suy nghĩ và cả kinh nghiệm nữa. Hãy ra ngoài, làm một thứ gì đó mới, tìm một điều mới mẻ và trải nghiệm nhé.

Hỏi: Cha mẹ có thể làm gì để chống lại tình trạng ham mê game quá độ? Nếu trẻ đã bị rồi thì nên làm thế nào? Tụi tôi cố kiểm soát thời gian chơi của con mà không ăn thua. Có thể loại game nào hoặc nền tảng nào gây nghiện dễ hơn những nền tảng còn lại hay không?
Đáp: Đầu tiên phải hiểu được lý do trẻ tìm đến game trước. Có thể chúng gặp lo âu khi giao tiếp ngoài cuộc sống thực. Ví dụ một cậu bé 13 tuổi đến trường lúc nào cũng ngại giao tiếp vì nhiều cô bé cậu bé khác đang có những thứ quan tâm khác gần như 180 độ. Hai bạn phải tìm được lý do chính xác con tìm tới game thì mới cải thiện được tình hình. Nên nhớ nhiều chứng nghiện tồn tại để phục vụ những mục đích khác nhau như đè nén cảm xúc tiêu cực, giúp con người hòa nhập hơn, hoặc đơn giản là thèm cảm giác dopamine sản sinh trong cơ thể.
Thứ hai, sau khi đã biết lý do con em tìm đến game, hãy tạo ra một mục tiêu khác đủ sức lôi bạn nhỏ này ra khỏi thế giới game. Hãy tìm cho con một lý do để không chơi game. Nó giống như việc thuyết phục một người bỏ thuốc lá vì thói quen này tiềm ẩn mối nguy mắc ung thư và nhiều bệnh khác thường không có tác dụng cho lắm. Thay vào đó là một mục tiêu để họ thay đổi: "Anh muốn sống đủ lâu để thấy con mình lớn, cưới vợ đi làm không? Muốn bế cháu không? Vậy thì bỏ thuốc đi?" Đại khái là vậy.

Hỏi: Thứ khiến tôi lo lắng là việc nhiều game mobile hiện tại cứ như là lừa tiền người ta vậy. Nói vậy biết là sai, nhưng họ thường tạo ra một hệ thống để lôi kéo người chơi bỏ tiền, đến mức không thể dừng lại được.
Đáp: Đúng đấy. Những hãng game giờ cũng thuê cả những nhà phân tích tâm lý tiêu dùng và các nhà thống kê để tạo ra công thức và mô hình game kiếm tiền nhanh và nhiều nhất có thể. Loot box là kết quả của những nghiên cứu như vậy. Đấy là mới còn nghiên cứu ở mức vừa phải đấy, nếu họ mà nghiên cứu đến cả việc vì sao con người tìm đến game, thì lúc ấy cả thế giới nghiện game là cái chắc.
Hỏi: Liệu có cách nào kiểm soát được cơn nghiện game để có cuộc sống tốt hơn không?
Đáp: Tôi sẽ hiểu câu hỏi này là có cách nào để trở thành một gamer khỏe mạnh. Câu trả lời là có. Mục tiêu của tôi khi làm việc với các gamer là không ép họ ngừng chơi game, mà thay vào đó là cân bằng giữa game và cuộc sống thực. Sau một ngày học tập hoặc làm việc, về tự nấu cho mình một bữa ăn ngon lành, nhiều chất bổ. Khi ấy vào game thậm chí còn vui hơn nhiều so với việc cả ngày ngồi lỳ trước màn hình.