Keychron K1 - bàn phím cơ không dây thiết kế siêu mỏng dành cho Mac lần trước, hôm nay mình chia sẻ với anh em về chiếc K2 - cũng là bàn phím cơ không dây thiết kế tối ưu cho Mac, hỗ trợ 3 thiết bị nhưng nó không mang hình thù mỏng dánh như phiên bản kia mà trái lại là một thiết kế cổ điển, truyền thống của phím cơ. Mình nghĩ chiếc K2 sẽ khiến nhiều anh em ưa thích hơn, bản thân mình cũng thích.
Keychron K2 hiện đang được bán với giá 69 USD, 79 USD và 89 USD. Phiên bản mình trên tay có giá 79 USD với khung, vỉ phím bằng nhựa, đèn RGB, trong khi đó phiên bản 69 USD thiết kế y hệt như vậy nhưng đèn nền trắng và phiên bản 89 USD có đèn RGB nhưng khung bằng nhôm.
Thiết kế quen thuộc, gọn nhẹ, đem đi được:
Phần vỏ nhựa này được Keychron hoàn thiện khá tốt, một lần nữa mình phải khen các bạn Keychron vì chế tạo nó rất chắc dù cầm qua thì có cảm giác nhẹ và không bền. Mình một lần nữa thử vặn và cũng vô tình làm rơi từ bàn xuống đất, mọi thứ còn nguyên. Trên khung nhựa bao quanh mình phát hiện ra 4 rảnh nhỏ được cắt tách ra, mình nghĩ đây là thiết kế chịu lực cho phần vỏ khi rơi bởi nếu làm liền mảnh, va đập mạnh sẽ gây tức và nứt.
Keychron K2 có chân chống cho góc nghiêng khoảng 6 độ, tích hợp các miếng cao su dày chống trượt tốt. Về trải nghiệm cá nhân mình thì nếu anh em không dùng với miếng kê tay thì nên bật chân chống lên, việc gõ phím sẽ trở nên thoải mái dễ dàng hơn bởi các ngón tay không bị với quá xa, cổ tay cũng đỡ mỏi hơn. Ngược lại nếu dùng miếng kê thì không cần bật lên bởi điểm tựa tay đã gần ngang bằng với mặt phím.
Cổng USB-C kết nối và sạc nằm ở cạnh trái cùng với 2 phím để chỉnh chế độ layout Windows Android vs Mac iOS và nút bật (Bluetooth) - tắt - dùng cable. Cách sử dụng các nút này không khác gì phiên bản Keychron K1 cũng như nhiều dòng phím cơ Bluetooth hiện tại. Riêng vị trí cổng USB-C ở cạnh trái mình đánh giá cao. Keychron K2 cho phép chúng ta sử dụng chế độ dual tức vừa cắm dây cáp vào máy này, vừa kết nối không dây với 3 máy khác. Cổng USB-C bên trái sẽ giúp dây cáp không choáng nhiều không gian như cổng đặt phía sau. Dùng những chiếc phím cơ có rãnh luồn dây thì mình cũng thường xuyên đưa dây sang hướng trái hoặc phải thay vì giữ ở giữa.
Cục pin tích hợp trên Keychron K2 cũng thuộc loại khủng với dung lượng đến 4000 mAh - tương đương với pin của một chiếc điện thoại Android hiện tại. Thời lượng sử dụng pin theo công bố của Keychron là 15 giờ với bản đèn nền trắng, 10 giờ với bản RGB. Như vậy nếu dựa trên con số công bố thì có thể hình dung ít nhất anh em có thể dùng nó liên tục trong khoảng 1 ngày làm việc nhưng đó là trừ khi anh em gõ liên tục trong 10 tiếng, mình dùng đã 3 ngày nay chưa sạc lại.
Layout và keycap của Keychron K2 ra sao?
Như mình đã nói nhanh ở phần trên, Keychron K2 có layout 84 phím, không quá lạ lẫm với những anh em đã chơi phím cơ custom. Với những ai mới dùng bàn phím có layout này thì cần phải làm quen bởi ngoài cùng bên phải sẽ là hàng phím Home/End/Page Up/Down. 4 phím điều hướng được đưa xuống góc phải dưới cùng, nằm ngay dưới phím Enter và kế Control, Shift phải. Các phím này vẫn được giữ nguyên kích thước nên việc thao tác không có gì khó khăn, quen layout bấm thoải mái.
Là một chiếc bàn phím được thiết kế tối ưu cho Mac thành ra Keychron K2 tích hợp đầy đủ các phím chức năng chính của Mac trên hàng phím Function. Nó gần như mô phỏng lại bàn phím trên MacBook từ vị trí các phím chỉnh độ sáng màn hình, mở Launchpad, Mission Control, chỉnh độ sáng bàn phím, các phím đa phương tiện, chỉnh âm lượng, tắt tiếng trải từ F1 đến F12. Bên cạnh hàng phím này là 3 phím gồm chụp màn hình, Del và chỉnh hiệu ứng đèn RGB. Tương tự với các phím Command, Option, chiếc Keychron K2 dành cho Mac hoàn toàn, anh em xài Mac sẽ không mất thời gian làm quen.
Ký tự trên keycap được khắc laser với nét mảnh, độ chi tiết cao, hiệu quả chiếu sáng của đèn nền lên keycap vừa phải, không quá gay gắt và ánh sáng cũng không bị rò ra gây lóa khi sử dụng ban đêm. Theo cảm nhận cá nhân mình thì anh em chỉ cần mua phiên bản dùng đèn nền trắng là đủ, đèn RGB trên một chiếc bàn phím cơ có thiết kế cổ điển như thế này không quá phù hợp, nó khiến chiếc bàn phím trông giống đồ chơi hơn mà thôi.
Nếu như trên Keychron K1 mình chê nó nhiều nhất ở thiết kế các hàng phím phẳng, bấm dễ bị trượt phím và giảm cảm giác thì trên Keychron K2, mọi thứ đã trở về nguyên bản với thiết lập các hàng phím dạng contour, anh em nhìn mặt cắt ngang sẽ thấy điều này. Các hàng phím nhìn mặt cắt ngang tạo thành lòng trũng với hàng phím giữa thấp nhất và cao dần lên các hàng phím còn lại, từ đó các ngón tay có thể dễ dàng với tới mọi phím bấm trên bàn phím mà không cần phải di chuyển quá nhiều. Đây là một thiết kế công thái học, được sử dụng trên bàn phím từ xưa và đến nay vẫn được duy trì trên bàn phím cơ.
Switch Gateron:
Keychron K2 có 3 tùy chọn switch gồm Red (linear), Brown (tactile) và Blue (clicky tactile) nhưng tất cả đều do Gateron sản xuất thay vì Cherry. Gateron cũng là một hãng làm switch clone các dòng switch nổi tiếng của Cherry và thực tế mình đã dùng switch của Gateron trên dòng phím JamesDonkey và điều mình nhận thấy rất rõ ràng về trải nghiệm so với switch Cherry là độ mượt. So với các dòng switch tương tự của Kailh hay thậm chí là Cherry MX thì Gateron luôn mượt hơn khi nhấn, không có cảm giác thô ráp, hơi cứng đặc trưng như Kailh hay Cherry MX.
Khi gõ chiếc bàn phím Keychron K2 dùng switch Gateron Red thì ngay lập tức mình nhận ra nó giống đến kỳ lạ switch QX2 được SteelSeries trang bị trên dòng Apex M750 (dòng switch này cũng được SteelSeries hợp tác cùng Gateron sản xuất). Lực nhân ở 45 g tương tự như Cherry MX Red, tổng hành trình 4 mm, điểm kích hoạt ở 2 mm. Tốc độ phản hồi nhanh và cảm giác gõ đặc trưng của dòng switch linear - thẳng tuột, nhã nhặn, chỉ cần nhích nhẹ đầu ngón tay là "ăn".
Tuy nhiên, mình dùng chiếc bàn phím này để gõ văn bản nhiều hơn chơi game nên switch Red khiến mình hơi tụt cảm xúc. Hàng ngày mình vẫn dùng những chiếc bàn phím có yếu tố tactile tức có khấc phản hồi xúc giác với mỗi cú nhấn như Brown hay ồn ào như Blue, thậm chí tập tạ với Green thành ra Red khiến mình mất hết cảm xúc gõ. Dù vậy với môi trường văn phòng, cần sự im lặng thì Red vẫn là một sự lựa chọn phù hợp. Nếu mình mua chiếc K2 này thì mình sẽ chọn hẳn switch Blue, 60 g, có tactile lẫn clicky, gõ phím là công việc chính nên Blue mới mang lại cảm xúc cho mình.
Các switch trên Keychron K2 thuộc dòng KS-9 của Gateron với vỏ switch (housing) trong suốt, đèn RGB tích hợp bên trong dưới dạng bóng LED SMD nằm trên mạch PCB của phím thay vì bóng LED truyền thống gắn xuyên vào housing. Độ bền của switch Gateron theo công bố là 50 triệu lần nhấn, ngang ngửa Cherry MX hay các hãng làm clone switch khác.
Anh em thích switch của hãng nào nhất? Cá nhân mình không nghĩ nhiều đến yếu tố Trung Quốc, mình thích Blue của Outemu, mỏi tay gõ Razer Green cũng thú vị (giờ thì ghiền cái Razer Optical hơn), Blue của Cherry mình chỉ thích dòng cũ không đèn, dòng RGB sau này cứ thế nào không ngon bằng. Ngoài ra mình cực khoái Cherry MX Black, Brown thì không đâu qua được Cherry.
Kết nối và tốc độ chuyển đổi:
Mình thử kết nối giữa 1 chiếc MacBook Pro, một chiếc laptop Windows và một chiếc điện thoại Android thì tốc độ chuyển đổi giữa các thiết bị rất nhanh, cảm giác còn nhanh hơn chiếc Keychron K1 lần trước, chỉ mất 1 - 1,30 giây. Việc pair và chuyển cũng tương tự K1:
Trên Keychron K2 thì nó không còn nút riêng cho trợ lý ảo như K1, tính năng này rườm rà, bỏ là đúng . Hãng cũng cho một vài keycap thay thế để anh em xài Windows đỡ "tủi" mà nhọ là không có keycap cho phím Windows.
Với mức giá 69 USD cho bản đèn nền trắng thì mình nghĩ nó phù hợp hơn cả. Từ đầu bài tới giờ mình không nhắc đến RGB nhiều bởi đối với mình, nó xuất hiện trên chiếc bàn phím này quá sai trái , tắt luôn đi có khi còn đẹp hơn mà chưa kể còn tiết kiệm được pin. Nếu anh em không ngại nặng thì nên chơi phiên bản vỏ nhôm, cao cấp và xịn hơn nhiều, chỉ thêm 20 USD. Mình sẽ mua bản Keychron K2 vỏ nhôm, Blue switch, về tắt đèn chơi keycap PBT, ta nói nó đã gì đâu
.
Keychron K2 - chiếc bàn phím đáng mua dành cho ai xài Mac
Cập nhật công nghệ từ Youtube tại link: https://www.youtube.com/channel/UCOxeYcvZPGf-mGLYSl_1LuA/videos
Tham gia nhóm Facebook
Để tham gia khóa học công nghệ truy cập link: http://thuvien.hocviendaotao.com
Mọi hỗ trợ về công nghệ email: dinhanhtuan68@gmail.com
