Facebook công bố họ muốn tạo ra một thiết bị đeo trên đầu có khả năng đọc được suy nghĩ của con người, cho phép gõ văn bản với tốc độ 100 từ mỗi phút chỉ bằng việc ngồi một chỗ suy nghĩ. Hiện tại Facebook vẫn đang theo đuổi dự án đó và đang trong quá trình thử nghiệm với con người.
Một vài thông tin về công trình nghiên cứu đó đã được mô tả trong tài liệu khoa học của đại học California tại San Francisco, Mỹ, nơi các nhà nghiên cứu đang phát triển công cụ dịch thuật để xác định một người muốn nói hoặc viết gì thông qua việc phân tích sóng não.
Điều này khiến nhiều khoa học gia vừa mừng vừa lo. Một mặt, thiết bị như thế này cho phép những người gặp khó khăn trong việc nói và viết có thể giao tiếp hiệu quả với người khác, tạo ra đột phá trong khoa học. Nhưng mặt khác, chính Facebook lại rót tiền để thực hiện công trình nghiên cứu này, khiến cho những lo ngại về tính riêng tư của người dùng và dữ liệu sóng não cũng như ngôn ngữ tạo ra từ thiết bị đó sẽ ra sao nếu rơi vào tay tập đoàn công nghệ khổng lồ này. Khó có gì nguy hiểm hơn việc Facebook, vốn đã thu thập được rất nhiều dữ liệu của người dùng, từ tin nhắn, địa điểm đến những cụm từ khóa dùng để tạo ra lý lịch của một người dùng mạng xã hội, giờ còn biết luôn chúng ta đang nghĩ gì.
Với nhiều chuyên gia, điều này khiến những điều luật liên quan tới việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu sóng não con người trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Nghiên cứu giúp người khuyết tật giao tiếp bình thường
Quay trở lại với nghiên cứu được đăng trên tờ Nature Communications. Nhà thần kinh học Edward Chang đo sóng não bằng ECoG, gần giống như điện não đồ nhưng các điện cực kim loại mỏng được cấy trực tiếp lên bề mặt não của người tự nguyện tham gia thử nghiệm. Những người này đều là các bệnh nhân động kinh đang được phẫu thuật điều trị. Họ được đọc 9 câu hỏi và đọc to 24 đáp án được cho sẵn, ví dụ như "bạn đang đau cỡ nào theo thang từ 0 đến 10?"
Dựa vào sóng não tạo ra trong quá trình trả lời câu hỏi, và dựa vào những câu trả lời có sẵn, Chang cùng các đồng sự tạo ra được một mô hình tự học mối liên hệ giữa sóng não và câu trả lời tương ứng. Sau khi tự học như vậy, phần mềm có thể nhận diện ngay câu trả lời chỉ dựa vào sóng não của người thử nghiệm. Kết quả là hệ thống nhận diện được câu trả lời chính xác trong khoảng 61 đến 76%. Một câu hỏi khác được đưa ra, yêu cầu người tham gia nghĩ trong đầu nhạc cụ họ yêu thích. Phần mềm dựa vào sóng não có thể đưa ra hai câu trả lời "piano" và "violin".
Bước tiếp theo sẽ là giúp phần mềm đọc được những gì con người suy nghĩ trong đầu, dựa vào sóng não khi não bộ ra lệnh tới cơ hàm, môi, lưỡi cử động ra sao để phát âm một từ cụ thể.
Ban đầu, Facebook đầu tư cho UCSF nghiên cứu công nghệ này để các nhà khoa học có thể giúp những người khuyết tật có thể giao tiếp bình thường. Nhưng tham vọng của Facebook là tạo ra một thiết bị đeo có thể điều khiển âm nhạc hoặc giao tiếp trong môi trường thế giới ảo chỉ bằng suy nghĩ. Họ cũng đang đầu tư phát triển những hệ thống có thể đọc được mệnh lệnh trong đầu mà không phải cấy ghép nguy hiểm, sử dụng cáp quang hoặc laser để đo đạc những thay đổi trong tuần hoàn máu não, giống như máy chụp cộng hưởng từ trong bệnh viện.
Tuần hoàn máu não chỉ là một phần rất nhỏ bên trong não bộ con người, nhưng những thay đổi đó vẫn đủ để xác định xem người dùng thiết bị đang nghĩ đến mệnh lệnh nào, ví dụ như "home", "select" hay "delete". Facebook cho rằng tính năng này sẽ giúp VR và AR có những đột phá rõ rệt. Cuối năm 2019, Facebook có kế hoạch trình diễn thiết bị đọc sóng não.
Facebook sắp biết luôn chúng ta đang nghĩ gì?
Sau khi thu thập thông tin con người thông qua những thiết bị công nghệ, những ông lớn có vẻ như muốn đọc cả suy nghĩ của mọi người. Ngày 16/07 vừa rồi, công ty Neuralink của Elon Musk cho biết họ muốn cấy những điện cực vào não người trong 2 năm tới để điều khiển máy móc hoặc chi giả cho những người khuyết tật. Facebook cũng đang có tham vọng tương tự.
Nhưng cũng đừng quên rằng vừa rồi Facebook đã bị chính phủ Mỹ phạt 5 tỷ USD vì lừa dối khách hàng, không nói đúng sự thật về cách họ lưu trữ và sử dụng thông tin cá nhân của người dùng MXH này. Nita Farahany, giáo sư tại đại học Duke, chuyên trách mảng thần kinh học cho rằng: "Bộ não là một nơi an toàn, nơi suy nghĩ của con người tự do nhất. Chúng ta sắp đi đến tương lai nơi sự riêng tư ngay cả trong đầu cũng bị đe dọa mà không có cách nào bảo vệ được."
Bản thân những nhân viên Facebook cũng được đến đại học UCSF để nghiên cứu những dữ liệu từ công trình của giáo sư Chang. Bên cạnh đó cũng không biết Facebook đã đổ vào cuộc nghiên cứu này bao nhiêu tiền, hay những bệnh nhân động kinh tình nguyện tham gia nghiên cứu này có biết sự can thiệp của Facebook hay không.
Nếu Facebook tạo ra được một thiết bị điều khiển thế giới công nghệ bằng sóng não, thì nó sẽ là một món đồ cực kỳ tiện dụng, nhưng đồng nghĩa với đó là Facebook cũng có thể ghi lại những thông tin mà trên lý thuyết có giá trị hơn nhiều, chẳng hạn như con người phản ứng ra sao khi xem một đoạn status hay một đoạn video cụ thể nào đó.
"Dữ liệu não bộ rất giàu thông tin và rất nhay cảm. Tuy nhiên những quy định riêng tư của Facebook hiện tại đang quá nghèo nàn không thể áp dụng cho dữ liệu sóng não được," Marcello Ienca, một nhà nghiên cứu não bộ tại đại học ETH Zurich nhận định.
Facebook phát triển thiết bị đọc suy nghĩ, biến sóng não thành từ ngữ
Tham khảo Guardian, MIT Technology Review
Cập nhật công nghệ từ Youtube tại link: https://www.youtube.com/channel/UCAJ8Zn9hgWCefbt65CP0cSQ/videos
Tham gia nhóm Facebook
Để tham gia khóa học công nghệ truy cập link: http://thuvien.hocviendaotao.com
Mọi hỗ trợ về công nghệ email: dinhanhtuan68@gmail.com
