Realforce là cái tên có lẽ lạ đối với đa số anh em nhưng với những ai yêu thích phím cơ hẳn đã từng nghe đến hay từng thử gõ trên dòng phím sử dụng loại switch trứ danh Topre. Loanh quanh với Cherry MX hay các loại switch clone của Cherry cũng ngán, nay đổi món mới cho anh em xem qua: Realforce A/R2A-US5-IV với tính năng APC điều chỉnh điểm kích hoạt độc đáo.
Realforce là một thương hiệu của tập đoàn Topre Corp - một tập đoàn công nghiệp chính xác của Nhật với nhiều sản phẩm khác nhau và bàn phím là một trong số đó. Hãng này có hơn 30 năm kinh nghiệm làm bàn phím dùng loại switch Topre độc đáo và được xem là một món hàng xa xỉ đối với những ai yêu thích phím cơ. Chiếc bàn phím Realforce R2 này có giá bán đến hơn 6 triệu vậy nó có gì đặc biệt?
Realforce A/R2A-US5-IV thuộc dòng sản phẩm văn phòng của Realforce thành ra nó có thiết kế đúng chất văn phòng, siêu cổ điển. Nó giống như một thứ ở quá khứ, những chiếc bàn phím màu trắng ngà (ký hiệu IV trong tên của nó là Ivory) với các nút bấm màu trắng và xám sẫm màu hơn xung quanh. Mình tưởng tượng nếu xài cái bàn phím này trước một chiếc màn hình CRT thì chắc người trông thấy phải kiểm tra lại lịch xem có phải họ đã du hành thời gian hay không
.
Chất liệu hoàn thiện và kiểu hoàn thiện của Realforce cũng rất đặc trưng, nó mang lại cảm giác tiếp xúc rất cao cấp dù bên ngoài không quá nổi bật. Khung phím bằng nhựa cứng, bề mặt được hoàn thiện sần rất mịn, bàn phím nặng đến 1 ký rưỡi do vỉ phím bằng kim loại, bo mạch dày và cả sợi cáp dài 1,6 m cũng được làm dày cui.
Nói đến Realforce thì phải nói đến đặc tính công thái học trong thiết kế. Mình nhớ không nhầm Realforce là một trong những hãng đầu tiên thiết kế khe luồn dây cáp sang các bên - một thứ mà nhiều hãng làm bàn phím khác mãi sau này mới học theo. Mình thấy khe luồn dây này lần đầu trên một chiếc Realforce cách đây gần 10 năm. Trang bị này dù nhỏ nhưng nó giúp cho chúng ta có thể dễ dàng đi dây sao cho gọn trên bàn tùy theo vị trí cổng USB cần kết nối.
Chân chống của Realforce tạo góc nghiêng khoảng 6 độ nhưng không cần thiết phải mở vì cơ bản, Realforce A/R2A-US5-IV đã được thiết kế tối ưu về công thái học nên chỉ cần đặt bàn phím lên bàn là anh em có thể gõ ngay, rất dễ làm quen, cảm giác gõ tự nhiên, không cần điều chỉnh nhiều.
Bật chân chống hay không bật đều gõ rất thoải mái
.
Layout của Realforce A/R2A-US5-IV là 108 phím full-size. Về cơ bản nó y hệt layout 104 phím full-size US tiêu chuẩn chỉ có thêm 4 phím "đời mới" để tăng giảm âm lượng, tắt tiếng và một phím dành cho chức năng điều chỉnh điểm kích hoạt (APC - Actuation Point Changer) đặt riêng trong một cụm. Đây cũng là điểm nhấn và điểm phân biệt của Realforce A/R2A-US5-IV so với các dòng phím khác của Realforce.
Sơ lược về Topre:
Mình và đám bạn chơi phím cơ vẫn thường cãi nhau về việc Topre - tên loại switch (công tắc) nằm bên dưới mỗi phím bấm có được gọi là switch cơ học hay không? Thực tế cái tên gọi mechanical keyboard (bàn phím cơ) nó phù hợp để gọi các loại bàn phím dùng công tắc đúng nghĩa cơ như của Cherry MX bởi tín hiệu được kích hoạt nhờ sự tiếp xúc cơ học, ở đây là 2 lá kim loại (metal contact leaves) nằm bên trong mỗi switch, chúng sẽ đóng (chặp vào nhau) khi chúng ta nhấn phím xuống và mở (tách ra) khi nghỉ. Khi 2 lá kim loại này chặp vào nhau, nó cũng giống như khi chúng ta đóng mạch điện, tín hiệu được ghi nhận và kết quả là chúng ta có ký tự hay thao tác hiển thị trên màn hình.
Switch mecha-membrane giả cơ trên Razer Ornata với vòm cao su.
Topre là một loại switch rất khác, nhiều anh em hay gọi nó là switch lai giữa cơ và màng cao su (vòm cao su) membrane nhưng thực tế mình nghĩ rằng phải dành cho nó một cái tên gọi riêng như cách mà Topre vẫn gọi là switch điện dung. Cách nó hoạt động không giống như switch Cherry hay các loại switch cơ học khác như ALPS hay lò xo oằn Buckling Spring trên những chiếc phím IBM cổ điển. Nó khai thác một hiệu ứng vật lý là điện dung (C=Q/V - anh em có nhớ công thức này?)
Bên trong switch Topre không có các lá kim loại tiếp xúc, không có tiếp xúc điểm (contact point) như cấu trúc của switch Cherry MX, thứ khiến nó đặc biệt là cảm biến điện dung nằm trên bản mạch, lò xo hình nón và vòm cao su (rubber dome). Khi nhấn phím xuống, phần slider (plunger) đè lên vòm cao su và làm nén lò xo, tạo ra sự thay đổi về điện dung và cảm biến bên dưới sẽ biết được bàn phím được nhấn sâu đến đâu. Khi điện dung đạt một giá trị nhất định, cảm biến nhận tín hiệu.
Cơ chế kích hoạt này không hề giống với các loại bàn phím màng hay vòm cao su khác bởi nó không hề có sự tiếp xúc vật lý. Bản thân các loại bàn phím dùng vòm cao su, giả cơ hiện tại vẫn đòi hỏi phải nhấn hết hành trình đề đóng mạch và nhân tín hiệu. Topre có vòm cao su và chức năng của nó chỉ là để tạo ra cảm giác xúc giác (tactile) - nó giống như khấc xúc giác (tactile pump) trên các dòng switch Cherry MX Brown hay Blue và lò xo hình nón sẽ giúp phím nẩy trả lại vị trí nghỉ. Vậy nên, Topre không phải cơ cũng không phải màn, nó là một thứ gì đó rất riêng.
APC - thay đổi điểm kích hoạt:
Do dựa trên giá trị thay đổi của điện dung làm điểm kích hoạt thành ra switch Topre có sự đồng đều về hành trình kích hoạt, không bị chênh lệch như các loại switch cơ học khác. Điều thú vị là điểm kích hoạt của switch Topre trên chiếc bàn phím này có thể thay đổi được. Chiếc bàn phím Realforce A/R2A-US5-IV hỗ trợ tính năng APC và nó cho phép thay đổi điểm kích hoạt ở 3 mức là 1,5 mm (đèn xanh dương), 2,2 mm (đèn xanh lá) và 3 mm (đèn đỏ). Nhấn vào nút ở góc ngoài cùng, đèn đổi màu báo hiệu điểm kích hoạt thay đổi theo các mức.
Đây là tính năng trước đây chỉ có trên Topre và thậm chí loại switch OmniPoint của SteelSeries cũng phải dùng cơ chế kích hoạt từ tính mới có thể thay đổi được điểm kích hoạt. Khi chỉnh APC thì điểm kích hoạt sẽ áp dụng trên toàn phím nhưng Realforce cũng thiết kế một chế độ tùy biến (đèn trắng) và lúc này trên máy tính anh em có thể mở phần mềm đi kèm và chỉnh trên từng phím. Mình chỉnh cho các phím chính có hành trình trung bình trong khi các phím phụ để hành trình sâu nhất.
Switch Topre trên chiếc Realforce A/R2A-US5-IV này có lực nhấn 55 g (bottom out hết hành trình, tương đương Cherry MX Nature White hay Clear) và lực nhấn sẽ áp dụng trên toàn phím. Một số dòng bàn phím của Realforce có thiết kế đa lực nhấn tức những phím chính nặng 55 g, các phím phụ nhẹ hơn ví dụ 45 g. Chẳng hạn như phiên bản Realforce A/R2A-USV-IV có thiết kế lực nhấn khác biệt theo vùng (chữ USV thì US là layout còn V là Variable tức đa lực nhấn). Lực nhấn là thứ không thể thay đổi được trên switch Topre nên anh em cần phải lưu ý điều này nếu chọn mua.
Tiếng thock đặc trưng của Topre:
Nếu anh em từng gõ Topre hẳn sẽ biết đến tiếng "thock" - một cái âm thanh thụp thụp lụp bụp đặc trưng do vòm cao su và chất liệu keycap tạo ra. Thực sự đây là cái khiến mình rất ghiền mỗi khi gõ trên bàn phím Topre. Trước đây minh dùng NovaTouch thì nó bị một hạn chế là keycap mỏng quá khiến tiếng thụp này không được đặc trưng và cũng không đã, đổi sang keycap PBT thì ổn hơn.
Trong tình huống anh em muốn giảm tiếng ồn thì Realforce có tặng kèm 2 miếng mút gọi là Key Spacer, nó có chức năng giống như Oring mà anh em hay dùng trên dòng switch Cherry MX.
2 miếng này có độ dày khác nhau, anh em sẽ cần tháo toàn bộ các keycap ở khu vực phím chính ra để lồng xuống. Khi gắn vào thì tổng hành trình phím ngắn đi đôi chút, anh em cũng sẽ cần chỉnh điểm kích hoạt cho phù hợp với hành trình, toàn bộ đều được hướng dẫn kỹ trong tài liệu đi kèm bàn phím.
Nếu anh em muốn chơi keycap trên Realforce thì xin chia buồn, anh em vẫn có thể chơi được nhưng phải mua những bộ keycap dành riêng cho Topre bởi thiết kế keystem của nó hoàn toàn khác so với Cherry. Trừ dòng Realforce RGB thì hãng đã tùy biến lại để nó có thể tương thích với keycap của Cherry MX. Keycap của chiếc Realforce A R2A này bằng nhựa PBT rất dày và ký tự được in mình nghĩ là bền, tin chất lượng đồ Nhật
.
Qua mấy ngày dùng thử thì mình vẫn yêu Topre như ngày nào và thật sự khó mà tả được cảm xúc khi gõ trên Topre, anh em phải tận tay gõ mới cảm nhận được. Độ chính xác cực cao, tỉ lệ sai sót thấp và sự tự tin trên mỗi cú nhấn. Thêm vào đó tính năng APC rất giá trị khi hỗ trợ chơi game bởi bản chất lực nhấn 55 g không thật sự lý tưởng cho một chiếc bàn phím chơi game nhưng với điểm kích hoạt ngắn nhất nhất ở 1,5 mm thì việc thao tác với các tựa game cần tốc độ thao tác và cần spam phím nhiều rất lý tưởng.
Ngoài ra một thứ nữa khiến Topre bền bỉ đó là chính vì kiểu nhận tín hiệu này khiến Topre không có thành phần tiếp xúc cơ học với nhau, từ đó nó được xem là có độ bền rất cao bởi tiếp xúc kim loại qua thời gian có thể bị mòn, dẫn đến các tình trạng như double phím hay nhấn không ăn. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà Topre là loại switch được sử dụng trong nhiều lĩnh vực đòi hỏi sự chính xác, bền bỉ và ổn định cao như các thiết bị y học, quân sự.
Thật khó mà chê gì ở Realforce A R2A ngoại trừ mức giá của nó. Những chiếc bàn phím Topre luôn có mức giá đắt hơn đáng kể so với bàn phím cơ dùng switch Cherry MX truyền thống. Như chiếc bàn phím này có giá đến 6,2 triệu đồng và nếu nhìn qua anh em sẽ không thể tin được nó đắt như vậy. Tuy nhiên nếu anh em đã từng gõ Topre hay ăn chơi không sợ mưa rơi thì mình chắc chắn cầm 6,2 triệu trong tay, bàn phím cơ Topre là một mức đầu tư xứng đáng.
Vậy Realforce A R2A dành cho ai?
MÌnh nghĩ đối tượng của nó không nhiều và bản chất Realforce không định hướng đến nhóm người dùng phổ thông. Theo mình nếu anh em muốn tìm một thứ gì đó mới lạ, một thứ có thể mang lại cảm giác gõ chính xác và nhất là những anh em sợ sự sai sót trong từng ký tự như làm coder, sợ sai con số bán con trâu như kế toán (Realforce có cả bàn phím số rời như dòng 23U dành riêng cho những ai làm việc với số) thì việc đầu tư một chiếc bàn phím Topre là hoàn toàn xứng đáng và nó sẽ khiến công việc của anh em trở nên mượt mà hơn, chưa kể là cảm giác gõ còn khiến chúng ta muốn gõ nhiều hơn như những gì mình đã thực hiện với bài này 
Còn anh em, 6 triệu anh em có dám bỏ ra để mua Realforce không? Comment ngay bên dưới nhé.
*Cảm ơn Phongcachxanh đã cho mình mượn chiếc bàn phím này.