Giờ thì chúng ta đã tạm có một trang web với giao diện mong muốn. Bước kế tiếp chúng ta phải làm là tổ chức dữ liệu bên trong nó.
Khác với dạng web tĩnh, trong thiết kế web động, khi nạp các bản tin mới, chúng ta sẽ không xác định vị trí mà nó xuất hiện trên trang bằng tay. Một bản tin mới sẽ có mặt trên trang web động của chúng ta như thế nào, tại vị trí nào sẽ tùy thuộc vào các thuộc tính mà nó được cài đặt. Để dễ quản lý, trong Joomla, người ta sắp xếp các bản tin vào các phần (section) và các nhóm (category).
Section là các mục, các lĩnh vực chính mà Website đề cập tới. Đây là cấp quản lý nội dung lớn nhất. Ví dụ các website tin tức như VNExpress, Tuổi Trẻ, Thanh Niên… thường có các Section là: Thể Thao, Kinh Tế, Giáo Dục, Pháp Luật…, và trang web trung tâm mua sắm di động của chúng ta, các bạn cũng có thể tạo các section như: Tin tức, Điện thoại, Laptop, và Hỏi Đáp…
Tạo mới một Section
Đầu tiên, bạn mở trình duyệt và truy cập vào địa chỉ: http://localhost/mobile/administrator. Trường hợp bạn muốn cấu hình thẳng vào trang web trên máy chủ web trên Internet, thì bạn dùng đường dẫn đến trang web đang có, rồi thêm vào sau đó chuỗi /administrator. Kế tiếp, bạn đăng nhập bằng tên tài khoản (username) là admin, còn mục mật khẩu (password), bạn nhập vào mật khẩu mà bạn đã thiết lập trong quá trình cài đặt Joomla. Khi đăng nhập xong, để tạo mới Section, bạn vào menu Content, chọn Section Manager.
Trên thanh công cụ, bạn để ý các biểu tượng sau: sử dụng Section đã tạo (Publish), không sử dụng Section đã tạo (Unpublish), tạo bản sao của một Section (Copy), xóa bỏ một Section (Delete), chỉnh sửa Section (Edit), tạo mới Section (New).
Bạn nhấn vào biểu tượng New để bắt đầu tạo mới Section. Sau đó bạn nhập vào các thông tin bao gồm: tên Section (Title), bắt buộc phải có, và càng mô tả chi tiết càng tốt. Bạn nên đặt tên gần giống với tên menu sẽ xuất hiện ngoài trang Web, ví dụ như Điện Thoại chẳng hạn. Tiếp theo là tên viết tắt của Section (Alias), là một từ không có khoảng trắng và không bỏ dấu.
Ở mục Published sẽ cho bạn biết Section này có được sử dụng hay không, mặc định khi tạo mới một Section thì giá trị ở đây sẽ là Yes. Mục (Order) xác định thứ tự của Section đang tạo. Mặc định khi được tạo ra, thì Section sẽ nằm ở vị trí cuối cùng, và bạn chỉ có thể chỉnh sửa lại thứ tự của section sau khi bạn đã lưu nó lại.
Mục Image cho phép bạn chọn lựa hình ảnh đại diện cho Section, mặc định Joomla sẽ liệt kê để bạn chọn các hình ảnh có trong thư mục images/stories. Bạn cũng được quyền xác định vị trí cho hình ảnh đại diện (Image Position) là canh trái, phải hoặc canh giữa.
Mục Access Level giúp bạn phân quyền cấp độ truy cập cho Section, vì phần này đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu về quản lý Menu và quản lý người dùng (User), cho nên chúng ta sẽ đi sâu vào chi tiết ở những phần sau. Còn ở đây bạn cứ giữ nguyên giá trị như mặc định là Public (tất cả mọi người đều có thể xem được). Cuối cùng, bạn điền các thông tin mô tả cho Section (Description). Phần mô tả này có thể được cấu hình hiển thị hoặc không hiển thị ra ngoài trang web, tùy vào nhu cầu của bạn.
Trong các bước kể trên, bạn lưu ý ở mục Image (là bước xác định hình ảnh đại diện cho Section). Theo mặc định, Joomla sẽ liệt kê các hình ảnh có sẵn trong thư mục images/stories. Nhưng nếu muốn chọn hình ảnh khác phù hợp cho Website của mình, bạn phải thực hiện theo một trong hai cách sau:
Cách 1: Nếu đang làm trên máy chủ Web giả lập (localhost), bạn chỉ việc chép các hình ảnh cần dùng vào thư mục C:\AppServ\www\mobile\images\stories (đối với trang web mobile)
Cách 2: Nếu bạn đang làm việc với máy chủ web trên Internet, bạn vào thẻ Site, chọn Media Manager. Ở khung bên trái, bạn chọn thư mục stories, sau đó ở mục upload file, bạn nhấn Browse và trỏ đến tập tin hình mà bạn muốn tải lên. Kế tiếp bạn nhấn nút Start Upload để bắt đầu tải ảnh lên máy chủ. Khi nhìn thấy thông báo Upload Complete có nghĩa là quá trình tải ảnh đã thành công.
Quay trở lại khung tạo Section, bạn chú ý các nút lệnh trên thanh công cụ: Lưu Section lại và trở về trang Section Manager (Save), Lưu Section lại và tiếp tục soạn thảo (Apply), Quay về trang Section Manager và không lưu Section bạn tạo (Cancel).
Chỉnh sửa Section
Để chỉnh sửa một section, bạn đánh dấu chọn vào Section cần chỉnh sửa, sau đó nhấn vào nút biểu tượng Edit. Sau khi chỉnh sửa xong, bạn nhấn Save để lưu lại.
Xóa Section
Bạn đánh dấu chọn vào Section cần xóa, sau đó nhấn biểu tượng Delete. Lưu ý rằng nếu Section có chứa các Category thì bạn phải xóa Category trước, sau đó mới xóa Section.
Nhóm (Category) là cấp quản lý tin tức thấp hơn Section và dùng để chứa các tin tức,bài viết (Article). Bạn có thể tạo nhiều Section và mỗi Section có thể chứa nhiều nhóm (Category) đồng thời bạn cũng có thể tạo nhiều nhóm và mỗi nhóm có thể chứa nhiều tin.
Ví dụ: Trong phần (Section) Điện Thoại sẽ có các nhóm (Category) là LG, Nokia, SamSung… nhóm Nokia sẽ chứa các bài viết về các sản phẩm điện thoại của Nokia, còn nhóm Samsung thì hẳn nhiên sẽ chứa các bài viết về các sản phẩm điện thoại của Samsung...
Tạo nhóm (Category)
Để tạo Category bạn vào thẻ Content, chọn Category Manager.
Tương tự như việc tạo Section, phần nhóm (Category) cũng có thanh công cụ gồm các chức năng: sử dụng nhóm (Publish), không sử dụng nhóm (Unpublish), di chuyển một hoặc nhiều nhóm sang một Section khác (Move), tạo bản sao của một nhóm (Copy), xóa bỏ một nhóm (Delete), chỉnh sửa nhóm đã tạo (Edit), và tạo nhóm mới (New)
Phần tạo mới nhóm (Category) khá giống với các bước tạo Section. Nghĩa là bạn cũng nhập tên nhóm trong mục Title, tên viết tắt của nhóm trong mục Alias. Tên viết tắt này cần phải được viết dính liền, không khoảng trắng và dùng tiếng Việt không bỏ dấu. Mục Published sẽ xác định việc bạn có dùng nhóm (Category) này ngay lập tức, hay chỉ tạo ra sẵn rồi sẽ sử dụng về sau, khi cần thiết.
Điểm quan trọng nhất trong phần tạo nhóm (Category) là mục Section. Bạn phải chọn để cho nhóm vừa tạo nằm trong Section nào, và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến việc tổ chức bài viết cho trang web. Tiếp theo là mục CategoryOrder cho phép bạn sắp xếp thứ tự của nhóm vừa tạo.
Nhóm (category) có một hình ảnh đại diện trong mục Image, và canh lề bằng mục Image Position. Chúng ta sẽ bỏ qua mục Access Level tương tự như khi tạo mới Section, vì phần này đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu về quản lý Menu và quản lý người dùng (User). Giá trị cần chọn ở đây là Public. Và cuối cùng, bạn điền các thông tin mô tả cho nhóm trong ô Description. Đừng quênnhấn vào biểu tượng Save để lưu nhóm vừa tạo ra bạn nhé.
Tương tự, bạn tạo thêm nhóm khác như HTC thuộc Section Điện Thoại, nhóm Dell thuộc Section Laptop … Sau khi tạo xong bạn chú ý các cột trong Category Manager.
Cột # cho biết số thứ tự của nhóm được gán tự động bởi Joomla.Cột Order cho biết thứ tự của nhóm trong danh sách lúc tạo ra, nhưng bạn có thể sửa lại thứ tự này bằng cách đánh một con số mới vào, hoặc nhấn vào các nút Move Up/Move Down. Nhấn vào biểu tượng đĩa mềm (Save Order) sẽ lưu lại thứ tự mới. Cột Access Level xác định mức độ truy cập dành cho nhóm và bạn có thể tạm thời bỏ qua, chưa cần quan tâm đến nó. Cột Section cho biết tên Section chứa nhóm này, cột #Active cho biết số lượng bài viết (Article) đang có trong nhóm, còn cột #Trash cho biết số lượng bài viết trong nhóm đã bị xóa.
Chỉnh sửa Category
Tương tự các Section, khi cần chỉnh sửa nhóm, bạn đánh dấu chọn vào tên nhóm và nhấn biểu tượng Edit trên thanh công cụ. Sau khi chỉnh sửa xong, bạn nhấn Save để lưu lại.
Di chuyển Category sang Section khác
Nếu trong lúc tạo ra một nhóm (Category) mà bạn chọn sai phần Section, thì bạn vẫn có thể chọn lại bằng cách di chuyển nó. Đánh dấu chọn vào các nhóm cần di chuyển, sau đó bạn nhấn biểu tượng Move. Chọn một Section trong danh sách Move to Section mà bạn muốn di chuyển nhóm đến đó, và nhấn Save là xong.
Xóa Category
Nếu không cần dùng đến một nhóm nào đó, bạn đánh dấu chọn vào tên nhóm, sau đó nhấn biểu tượng Delete.
NHÓM MỤC ĐỒNG