Chỉ một sai sót nhỏ trong việc thực hiện từng bước theo hướng dẫn, cũng có thể làm cho hệ thống Joomla của bạn bị lỗi. Sau đây là một số câu hỏi mà người dùng thường đặt ra trong quá trình thực hiện các bước cấu hình cơ bản
Hỏi: Tôi mở file configuration.php trong thư mục C:\AppServ\www\mobile bằng Notepad, sau đó di chuyển con trỏ tới cuối dòng đầu tiên (dòng có kết thúc bằng ký tự "?>"), và ấn Enter, gõ thêm dòng ini_set("memory_limit","32M"), như hướng dẫn ở kỳ 3, rồi lưu tập tin lại, thì khi truy cập vào http://localhost/mobile/, tôi lại nhìn thấy thông báo như sau
Warning: session_start() [function.session-start]: Cannot send session cache limiter - headers already sent (output started at C:\AppServ\www\mobile\configuration.php:1) in C:\AppServ\www\mobile\libraries\joomla\session\session.php on line 423
Warning: Cannot modify header information - headers already sent by (output started at C:\AppServ\www\mobile\configuration.php:1) in C:\AppServ\www\mobile\libraries\joomla\session\session.php on line 426
Tại sao lại bị lỗi này và tôi phải sửa nó bằng cách nào?
Đáp
Thông tin cảnh báo (Warning) trên thỉnh thoảng xuất hiện ở một số máy tính, khi bạn thay đổi nội dung tập tin configuration.php bằng chương trình Notepad và có sử dụng tiếng Việt trong tập tin này. Do lúc tiến hành lưu lại, Notepad đã không giữ đúng bộ mã ký tự của tập tin. Có hai cách để bạn sửa lỗi này:
Cách thứ nhất, bạn phải cài lại Joomla từ đầu, hoặc tìm cách nào đó khôi phục lại tập tin configuration.php gốc. Sau đó bạn mở file configuration.php trong đường dẫn C:\AppServ\www\mobile ra bằng chương trình WordPad, thay vì Notepad, sửa chữa nó như hướng dẫn, rồi lưu lại.
Cách thứ hai, trong trường hợp không muốn cài lại Joomla, bạn có thể tải chương trình Notepad++ về từ địa chỉ http://tinyurl.com/cainotepad, và cài đặt lên máy tính của mình. Sau đó, bạn mở tập tin configuration.php bằng chương trình Notepad++ này. Tiếp theo, để khôi phục bản mã chuẩn của tập tin, bạn dùng thẻ Encoding trên menu, và chọn mục Convert to UTF-8 without BOM. Sau khi lưu tập tin configuration.php đã chuyển đổi này lại bằng cách nhấn Ctrl + S, hay chọn menu File – Save, thông tin cảnh báo trên sẽ được biến mất.
Cũng xin lưu ý bạn rằng dòng đầu tiên trong tập tin cấu hình configuration.php kết thúc bằng chuỗi "<?php", chứ không phải là chuỗi "?>" như trong câu hỏi của bạn.
Hỏi
Tôi thực hiện theo hướng dẫn thiết kế Web bằng Joomla như trong kỳ 2, nhưng đến khi thiết lập kết nối vào cở sở dữ liệu MySQL và nhấn nút Next thì hiện ra thông báo lỗi: Unable to connect to the database: Could not connect to MySQL.
Đáp
Bạn cần kiểm tra lại bước cấu hình Database Configuration (trong kỳ 2) những vấn đề sau: mục Host Name phải là localhost, mục Username phải là root. Riêng phần Password, thì vào lúc cài đặt chương trình AppServ (trong kỳ 1), nếu bạn đã cài đặt mật khẩu cho tài khoản root là gì, thì trong bước này, bạn phải nhập trở lại cho chính xác.
Do lúc cái AppServ ở kỳ 1, người viết đã cài mật khẩu là root luôn cho dễ nhớ, nên trong kỳ 2 cũng đã hướng dẫn bạn dùng mật khẩu root này để nhập vào mục Password. Trường hợp trong bước 1, bạn đã cài một mật khẩu khác, thì bạn phải nhớ nó thật kỹ, để nhập vào cho chính xác trong bước 2 này. Nếu bạn không nhớ rõ lúc cài AppServ (phần cấu hình MySQL) đã dùng mật khẩu gì cho tài khoản root, thì cách đơn giản nhất là bạn cài đặt lại AppServ mà thôi.
Hỏi
Trong lúc thay đổi, tôi đã quên mất mật khẩu để đăng nhập vào trang quản trị web sử dụng Joomla của mình. Thế nhưng tôi không muốn cài đặt lại chương trình AppServ, hay cấu hình lại từ đầu máy chủ chứa Web trên Internet. Có cách nào để tôi có thể tìm lại mật khẩu này hay không?
Đáp
Trong quá trình sử dụng, vì nhiều lý do, có thể bạn không còn đăng nhập được vào trang quản trị Joomla với tài khoản admin nữa vì quên mật khẩu. Tài khoản admin là tài khoản có quyền quản trị cao nhất, và trong một số hệ thống web cá nhân, thì có khi đây còn là tài khoản duy nhất đăng nhập. Tuy nhiên, nếu lỡ quên mật khẩu của tài khoản này, bạn vẫn có thể thiết lập lại một mật khẩu mới cho nó, thông qua công cụ quản lý cơ sở dữ liệu PhpMyAdmin, theo các bước sau:
Nếu đang đặt trang web của mình trên máy chủ giả lập AppServ, trước tiên bạn cần truy cập vào trang quản lý cơ sở dữ liệu PhpMyAdmin tại địa chỉ: http://localhost/phpmyadmin. Một hộp thoại sẽ hiện ra yêu cầu bạn nhập vào tên truy cập và mật khẩu. Bạn hãy nhập vào tên tài khoản là root, kèm theo mật khẩu bạn đã thiết lập trong quá trình cài đặt AppServ trong kỳ 1 (ở bước cấu hình My SQL Server).
Tiếp theo, trang quản lý cơ sở dữ liệu MySQL sẽ xuất hiện. Ở khung Database bên trái, bạn chọn đúng tên cơ sở dữ liệu mà bạn đã tạo trong lúc cài đặt Joomla (kỳ 2, bước cấu hình Database Configuration), trong loạt bài viết này thì nó là db_mobile. Toàn bộ danh sách cấu trúc của cơ sở dữ liệu sẽ được hiển thị. Bạn tìm đến bản ghi có tên jos_users, là bảnghi chứa danh sách toàn bộ các tài khoản người dùng, rồi nhấn vào biểu tượng Browse để duyệt. Tìm đến tài khoản có giá trị admin trong cột username, bạn bấm vào nút biểu tượng Edit mang hình chiếc bút chì ở bên trái cùng bản ghi tài khoản này.
Trong cửa sổ hiệu chỉnh thông số tài khoản người dùng, bạn chú ý ở dòng password. Khung Funtion, bạn chọn kiểu mã hóa là MD5, còn trong khung Value, bạn nhập vào một mật khẩu mới, sau đó nhấn Go để kết thúc quá trình thay đổi. Đến đây, bạn đã khôi phục thành công mật khẩu dành cho tài khoản admin, bạn hãy truy cập lại vào trang quản trị Joomla tại địa chỉ http://localhost/mobile/administrator, rồi đăng nhập bằng tài khoản là admin cùng với mật khẩu bạn vừa thiết lập xong.
Nếu bạn đã mang trang web của mình đặt lên máy chủ Web trên Internet, thì bạn phải đăng nhập vào trang quản lý của máy chủ đó bằng tài khoản đã được cấp. Mỗi máy chủ sẽ có những trang quản lý khác nhau. Ví dụ trong loạt bài trước chúng ta sử dụng máy chủ Byethost, thì bạn truy cập vào trang http://panel.byethost.com. Kế tiếp bạn tiến hành đăng nhập bằng tài khoản (Username) và mật khẩu (Password) mà Byethost đã cung cấp cho bạn lúc tạo tài khoản (trongkỳ5).
Sau khi đăng nhập thành công, trong cửa sổ quản lý, bạn vào mục Database Management. Tương tự như ở máy chủ tại chổ AppServ, bạn cũng phải nhấn vào mục PhpMyadmin để thay đổi mật khẩu của tài khoản admin từ ngay trong cơ sở dữ liệu. Sau đó bạn nhấn Connect Now! để bắt đầu kết nối vào cơ sở dữ liệu đó. Tương tự như khi làm trên AppServ, bạn cũng đánh dấu chọn vào mục jos_users và nhấn biểu tượng Browse. Chọn tài khoản cần đổi mật khẩu là admin và nhấn vào biểu tượng Edit ở cạnh trái.
Bạn cũng tìm đến dòng password và chọn kiếu mã hóa MD5 trong khung Function. Sau đó, bạn nhập vào mật khẩu mới ở khung Value. Cuối cùng, bạn nhấn Go để lưu lại thiết lập. Giờ đây, bạn cũng đã có thể đăng nhập trang quản trị web Joomla của mình bằng mật khẩu mới, dù nó nằm trên máy chủ web Byehost.
Quá trình khôi phục mật khẩu quản trị trang web sử dụng Joomla khá đơn giản, và yếu tố bảo mật của nó nằm ở chổ bạn phải biết được mật khẩu kết nối vào cơ sở dữ liệu MySQL của mình. Vì thế, để đảm bảo an toàn và tính bảo mật cho trang web, bạn cần phải giữ kỹ mật khẩu quản trị web, mật khẩu kết nối cở sở dữ liệu, cũng như mật khẩu chuyển nhận tập tin thông qua giao thức FTP. Chỉ cần một trong ba mật khẩu đó bị lộ, thì xem như trang web của bạn sẽ bị mất kiểm soát.
Hỏi
Tôi dùng Media Manager để tải một tập tin máy chủ web như hướng dẫn ở phần 6. Nhưng tập tin không thể tải lên được và có một thông báo xuất hiện là This file type is not supported. Tôi phải làm thế nào để sửa lỗi này?
Bạn nhận được thông báo như vậy thì có nghĩa là bạn chưa cấu hình cho Joomla chấp nhận định dạng tập tin mà bạn đang muốn tải lên. Để cấu hình lại tham số quy định các định dạng tập tin được phép tải lên, bạn đăng nhập vào trang quản trị Joomla, vào menu Sites, và chọn Global Configuration. Trong thẻ System, bạn chú ý vào khung Media Settings, mục Legal Extensions(File Types). Giá trị của mục này xác định các loại tập tin được phép tải lên trong Media Manager. Bạn có thể thêm hoặc bớt phần mở rộng của các định dạng tập tin trong chuỗi tập tin khi tải nó lên trang web của bạn. Mặc định, sau khi vừa cài xong Joomla, các định dạng tập tin phổ biến nhất đều được phép tải lên.
Tuy nhiên, Joomla chỉ cho phép tải tập tin có kích thước tối đa là 10 MB. Nếu muốn thay đổi bạn có thể sửa lại giá trị này ở mục Maximum Size, nếu không muốn giới hạn dung lượng thì bạn nhập vào số 0. Ngoài ra, bạn cần lưu ý thêm mục Legal Image Extensions dùng để thiết lập các phần mở rộng tập tin ảnh được phép tải lên. Mặc định Joomla chỉ cho phép tải lên các tập tin ảnh có đuôi là bmp, gif, jpg, png.
NHÓM MỤC ĐỒNG