Ở phần trước, bạn đã tạo thành công các Section và Category. Tiếp theo, chúng ta sẽ tạo các Menu tương ứng để thể hiện các mục này bên ngoài trang Web.
Để quản lý các menu, đầu tiên, bạn mở trình duyệt và truy cập vào địa chỉ: http://localhost/mobile/administrator, bạn đăng nhập bằng tên tài khoản (username) là admin, còn mục mật khẩu (password), bạn nhập vào mật khẩu mà bạn đã thiết lập trong quá trình cài đặt Joomla. Tiếp theo bạn vào menu Menus, chọn Main Menu.
Bạn nhấn vào biểu tượng New để tạo mới. Tiếp theo, bạn bấm vào ô vuông bên trái mục Internal Link để mở các mục con của nó ra, và chọn mục Articles. Joomla sẽ liệt kê tất cả các dạng menu liên quan đến việc quản lý tin tức. Trong phần này, chúng ta chỉ cần quan tâm đến các menu dành cho Section và Category, còn các nhóm menu còn lại sẽ được nói rõ trong các phần sau.
Bây giờ chúng ta sẽ lần lượt tạo các menu tương ứng với các Section đã tạo ở phần trước. Bạn nhấn vào liên kết Section Blog Layout, sau đó bạn nhập vào các thông tin bao gồm: Tên menu (Title), bắt buộc phải có, ví dụ Tin tức. Tiếp theo là tên viết tắt của menu (Alias), bạn phải viết dính liền, không khoảng trắng và không được bỏ dấu. Mục Display in cho biết menu này được hiển thị trong nhóm menu nào, ở đây bạn chọn là Main Menu.
Ở mục Parent Item, nếu menu bạn tạo là menu cha, thì ở đây bạn chọn là Top. Nếu menu bạn tạo là menu con, thì bạn phải chọn một menu trong Parent Item làm menu cha của nó. Tiếp theo là mục Published sẽ cho bạn biết menu này có được sử dụng hay không, mặc định khi tạo mới menu thì ở đây sẽ là Yes. Mục Order, cho phép bạn sắp xếp thứ tự giữa các menu. Mặc định khi tạo mới thì menu sẽ nằm ở vị trí cuối cùng, và bạn chỉ có thể chỉnh sửa lại thứ tự của menu sau khi bạn đã lưu nó lại.
Mục On Click, Open in giúp bạn chọn các hành động khi nhấn vào menu như: Chuyển đến trang liên kết của Section (Parent Window with Browser Navigation), mở một cửa sổ mới và chuyển đến trang liên kết của Section (New Window with Browser Navigation), mở một cửa sổ mới và chuyển đến bài viết có trong Section (New Window without Browser Navigation)
Tiếp theo chúng ta cần cấu hình các tham số cho menu.Ở góc phải, khung Parameters (Basic), bạn chú ý các mục sau: Mục đầu tiên là Section rất quan trọng, bạn phải chọn đến Section mà menu sẽ liên kết. Tiếp theo là mục Description dùng để ẩn/hiện các mô tả về Section, mục Description Image dùng để ẩn/hiện hình ảnh của Section.
Phần bên dưới là cách bố trí hiển thị bài viết. Mục # Leading cho biết số lượng phần giới thiệu của các bài viết được hiển thị hết bề ngang của trang. Mục # Intro cho biết số lượng phần giới thiệu của bài viết được hiển thị. Cuối mỗi phần giới thiệu sẽ có dòng chữ nhỏ Read more hoặc Đọc thêm để xem toàn bộ bài viết. Tiếp theo là mục # Column cho biết số cột bài viết được chia trong Website của bạn, và mục # Links dùng để cấu hình số lượng tên bài viết được hiển thị dưới dạng liên kết. Sau khi hoàn tất bạn nhấn Save để lưu lại.
Tương tự, bạn tạo thêm menu Điện Thoại có dạng Section Blog Layout. Lưu ý trong quá trình tạo menu Điện Thoại, ở mục Section bạn phải chọn đến Section Điện Thoại. Sau khi tạo xong bạn chú ý mục Order, ở đây bạn có thể sắp xếp lại thứ tự các menu (ưu tiên từ thấp đến cao)
Hoàn tất mọi việc, thử truy cập vào trang web tại chổ http://localhost/mobile, hay trang chủ trên Internet, bạn sẽ thấy lúc này có thêm hai menu Tin Tức và Điện Thoại nằm ở cạnh trái.
Tiếp theo, bạn cần tạo các menu con HTC, Apple và Nokia nằm trong menu Điện Thoại. Nhấn New để tạo mới menu, lúc này bạn chọn dạng Category Blog Layout (do HTC, Apple và Nokia là ba Category do bạn tạo ra ở bước trên)
Tương tự như tạo menu Section Blog Layout, bạn cũng phải điền vào các thông tin sau: tên menu (Title), bắt buộc phải có, tên viết tắt của menu (Alias). Ở mục Parent Item, do bạn đang tạo menu con của menu Điện Thoại nên ở đây bạn chọn Điện Thoại. Ở phần Parameter, mục Category, bạn chọn đến Category mà menu sẽ liên kết, ví dụ như Điện thoại /APPLE trong trường hợp bạn đang tạo menu cho nhóm APPLE. Cuối cùng bạn nhấn Save để lưu lại. Làm tương tự cho menu con Nokia, HTC cũng thuộc menu Điện Thoại. Quay trở lại trang Mobile bằng cách truy cập vào địa chỉ: http://localhost/mobile, bạn sẽ thấy các menu con đã được tạo ra.
Tiếp theo chúng ta sẽ tạo các bài viết (Article) cho trang web. Article là các bài viết, chứa các văn bản và hình ảnh thể hiện trên Web. Thông thường, một article sẽ thường có hai phần bao gồm: phần giới thiệu (Intro Text) dùng để nêu ý mở đầu cho bài viết và phần chi tiết (Description Text) dùng để nêu toàn bộ nội dung bài viết. Để tạo mới một bài viết, bạn quay lại trang quản trị Joomla, vào menu Content, sau đó chọn mục Article Manager.
Trên thanh công cụ, bạn chú ý các biểu tượng sau: khóa bài viết lại, không cho người khác chỉnh sửa (Archive), gỡ bỏ chức năng khóa bài viết (Unarchive), sử dụng bài viết đã tạo (Publish), không sử dụng bài viết đã tạo (Unpublish), di chuyển một hoặc nhiều bài viết đến Section hoặc Category (Move), tạo bản sao của một bài viết (Copy), xóa bỏ một hoặc nhiều bài viết (Trash), chỉnh sửa bài viết đã tạo (Edit), tạo mới bài viết (New) và quản lý các cấu hình dành cho toàn bộ bài viết (Parameters). Bạn nhấn vào biểu tượng New để tạo mới Article.
Ở khung đầu tiên, bạn điền vào các thông tin: tiêu đề bài viết, bắt buộc phải có (Title). Tên viết tắt của bài viết, viết dính liền và không bỏ dấu (Alias). Ở mục Section và Category, bạn chọn các Section và Category tương ứng cho bài viết. Lưu ý rằng nếu bài viết thuộc một Category thì bạn phải chọn Section trước, sau đó mới chọn Category. Còn nếu bài viết không thuộc một Section và Category nào thì bạn chọn Uncategorised ở cả hai mục.
Mục Publish cho phép xuất bản bài viết hay không. Nếu ở đây bạn chọn No, bài viết sẽ không xuất hiện trên trang Web nhưng nó sẽ được lưu lại như một bản nháp. Mục Front Page cho phép bài viết có xuất hiện ở trang chủ hay không, hay chỉ xuất hiện trong Section và Category của nó mà thôi.
Tiếp theo là khung soạn thảo văn bản của Joomla. Tương tự như Microsoft Office Word hay Open Office, giao diện khung soạn thảo văn bản rất gần gũi và quen thuộc với người dùng.
Ở hàng thứ nhất bạn sẽ thấy các nút lệnh như in đậm (Bold), in nghiêng (Italic), gạch chân (Undeline) hoặc gạch đè lên chữ (Strikethrough). Tiếp theo là các biểu tượng canh trái (Align Left), canh giữa (Align Center), canh phải (Align Right) và canh đều hai bên (Align Full) dành cho văn bản. Khung Styles, cho phép định dạng văn bản dựa trên các thiết lập của CSS. Khung Format cho phép bạn chọn lựa các kiểu định dạng dành cho Paragraph, Heading…
Hàng thứ hai là các nút lệnh như liệt kê các đề mục, dạng ký hiệu (Unordered List) hoặc liệt kê các đề mục, dạng chữ số (Ordered List). Tiếp theo là các nút lệnh đầy lề văn bản vào một đoạn (Indent),hay ra một đoạn (Outdent). Bạn cũng có thể hủy bỏ định dạng vừa thực hiện (Undo), trả lại định dạng vừa thực hiện (Redo), chèn liên kết (Insert Link), hủy bỏ liên kết (Unlink), hay chèn và chỉnh sửa hình ảnh (Insert/Edit Image). Đối với định dạng web, bạn được quyền xóa các mã HTML khi bạn copy từ các nguồn khác (Cleanup Messy Code), hay chèn các đoạn mã HTML vào trong bài viết (HTML).
Hàng thứ ba bao gồm các nút lệnh chèn thước nằm ngang (Insert Horizontal Ruler), xóa bỏ các định dạng (Remove Formatting), ẩn/hiện các dấu hiệu định dạng có trong bài viết (ToggleGuidelines/invisible elements), viết chỉ số dưới (Subscript), viết chỉ số trên (Super Script), và chèn các ký tự đặc biệt (Insert Custom Character).
Ngoài ra bạn còn có thể mở rộng thanh công cụ với nhiều chức năng hơn. Để làm được việc này, đầu tiên bạn vào menu Extensions, chọn Plugin Manager. Bạn tìm đến mục plugin Editor – TinyMCE và nhấn vào đó. Ở khung Parameters bên phải, mục Functionality, bạn chọn Extended. Cuối cùng bạn nhấn Save để lưu lại.
Bây giờ khung soạn thảo văn bản của Joomla đã hiện đầy đủ các nút lệnh
Tiếp theo chúng ta cần cấu hình tham số cho bài viết, bạn chú ý khung nằm ở bên phải. Mục Author, cho phép chọn tác giả của bài viết, mục Access Level dùng để phân quyền cấp độ truy cập vào bài viết (tương tự như Section và Category, sẽ được nói rõ hơn ở những phần sau). Tiếp theo là mục Create Date cho biết ngày tạo ra bài viết, và mục Start Publishing cho biết ngày xuất bản bài viết. Ví dụ, bạn có một chuyên mục Thủ Thuật Di Động vào các ngày thứ ba hằng tuần, thì ở đây bạn có thể xác định xuất bản bài viết vào các ngày thứ ba, như vậy bài viết sẽ tự động xuất hiện theo thời gian mà bạn đã định trước. Mục Finish Publishing cho biết ngày hết hạn đăng bài. Nếu bạn chọn một ngày nào đó trong tương lai thì đến đúng ngày đó bài viết sẽ tự động ẩn đi không hiển thị cho người truy cập xem nữa. Mặc định, giá trị ở đây là Never.
NHÓM MỤC ĐỒNG