Dù rằng phần giao diện đồ họa quyết định sự hấp dẫn của một trang web khi người xem ghé vào thăm lần đầu, nhưng chính nội dung các bài viết mới giữ người xem lại, và lôi kéo họ trở lại vào những lần sau.
Bạn cần chú ý đến điểm này, vì số lượng người vào thăm trang nhiều, hay ít, phụ thuộc vào nội dung mà trang web đó cung cấp. Ở trong bài trước, chúng ta đã có thể tạo ra một cấu trúc trang web với các phần (Section), các Nhóm (Category). Sau đó là tạo ra các bài viết (Article). Trong Joomla, để quản lý các bài viết, bạn vào trang quản trị website, đăng nhập, vào menu Content, sau đó chọn mục Article Manager.
Nhấn nút New, bạn sẽ bắt đầu tạo ra một bài viết mới. Có hai phần trong bài viết, phần trên là tiêu đề và các thông số quản lý. Phần dưới chính là khu vực soạn thảo nội dung bài viết, là nơi mà bạn gõ nội dung văn bản, cũng như chèn hình ảnh và âm thanh vào. Nhưng thường thì rất ít khi chúng ta ngồi gõ toàn bộ nội dung vào cửa sổ soạn thảo này, mà bạn sẽ tiến hành sao chép một nội dung có sẵn, như từ tập tin Word, từ trang blog hay Web khác của bạn sang…
Chép nội dung từ tập tin Word
Yếu điểm của việc sao chép các nội dung văn bản từ tập tin soạn thảo trong Word hay bất kỳ trình soạn thảo văn bản có định dạng khác, là việc sao chép sẽ mang theo cả phần định dạng của phần mềm soạn thảo đó. Các định dạng bị sao chép này sẽ ảnh hưởng đến định dạng mà bạn muốn tạo ra trong Joomla cho bài viết của mình, hoặc hiển thị thành các ký tự lạ làm xấu bài viết. Để tránh các nhược điểm này, khi sao chép văn bản từ tài liệu dạng Word sang, bạn có hai cách để thực hiện:
Cách thứ nhất, bạn đánh dấu chọn rồi sao chép toàn bộ nội dung văn bản trong tài liệu Word. Sau đó bạn tiến hành dán nội dung đã sao chép vào một chương trình soạn thảo văn bản thô nào đó, như Notepad chẳng hạn. Kế tiếp, bạn lại đánh dấu và sao chép toàn bộ nội dung văn bản thô này từ Notepad, rồi mới dán nó vào khu vực soạn thảo nội dung bài viết trong Joomla. Phần văn bản thô có được theo cách này sẽ không gây hiệu ứng định dạng hay ký tự lạ nào cho bài viết của bạn.
Cách thứ hai, thường dùng để xử lý đối với các văn bản word có chứa hình ảnh. Bạn sẽ dùng tiện ích văn phòng MS Word tiến hành lưu lại tập tin văn bản đó lại theo định dạng Web (với phần mở rộng .htm). Đi kèm tập tin HTML được tạo ra sẽ là một thư mục mang tên images chứa toàn bộ các hình ảnh có trong tập tin văn bản trước đó. Bạn mở tập tin .htm ra để sao chép toàn bộ nội dung và dán vào khu vực soạn thảo nội dung bài viết trong Joomla. Tiếp theo, bạn sao chép thư mục images vào trong thư mục C:\AppServ\www\mobile\images, rồi tiến hành chèn hình vào những vị trí thích hợp trong bài viết. Với trang web trên máy chủ Byehost, thì bạn cũng tiến hành tương tự, nhưng thư mục hình ảnh images thì cần được tải lên máy chủ Byehost trước.
Chép nội dung từ trang web khác
Ngoài nội dung có sẵn trong tập tin Word, có thể bạn còn muốn sao chép nội dung từ một trang web cũ của mình sang trang web mới trên nền Joomla vừa tạo ra. Để thực hiện việc này, các thao tác đơn giản hơn rất nhiều so với việc sao chép văn bản từ nội dung Word. Bạn chỉ việc truy cập vào trang web cũ, đánh dấu khối rồi sao chép toàn bộ nội dung vào bộ đệm. Sau đóm bạn dán nội dung đang có trong bộ đệm vào khu vực soạn thảo nội dung bài viết trong Joomla là xong. Ưu điểm của việc sao chép nội dung theo cách này rất đơn giản và nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng có nhược điểm mà bạn cần phải lưu ý, là tất cả các hình ảnh trong bài viết mà bạn sao chép thực chất vẫn được chứa trên máy chủ của trang web cũ. Nghĩa là nội dung bài viết vẫn được lưu trữ trên trang mới, nhưng các liên kết đến hình ảnh thì vẫn trỏ về nơi chứa ảnh của trang cũ.
Làm như thế, bạn được lợi ở chổ không cần tốn dung lượng cho việc chứa ảnh trong bài viết, và tiết kiệm được thời gian, công sức cho thao tác tải ảnh lên máy chủ Byehost chứa trang Joomla của mình. Tuy nhiên, cũng có một điểm bất lợi với cách làm này là nếu hình ảnh chứa trên máy chủ của trang web cũ bị xóa, hoặc trang web đó không còn hoạt động nữa, thì toàn bộ hình ảnh trong bài viết trên Joomla của của bạn cũng sẽ biến mất theo. Nếu lo lắng về điều đó, tốt nhất là bạn hãy xử lý trang web cũ như một tập tin Word có hình, tức là bạn lưu nó xuống đĩa cứng thành tập tin HTML và một thư mục ảnh có tên tương ứng. Sau đó bạn tải ngược thư mục ảnh trở lên máy chủ Byehost, rồi chèn ảnh vào bài viết.
Chèn hình ảnh vào trong bài viết
Đây được xem là thao tác quan trọng thứ hai sau việc nạp nội dung văn bản của bài viết. Vì nếu nội dung văn bản thể hiện phần cơ bản của vấn đề được nêu ra trog bài viết, thì các hình ảnh minh họa khi chèn vào sẽ làm cho bài viết trông rực rỡ, và thu hút hơn. Có thể nói tiêu đề bài viết và hình ảnh minh họa sẽ quyết định việc người đọc có bỏ thời gian ra đọc bài viết của bạn hay không. Tại khu vực soạn thảo nội dung bài viết trong Joomla, bạn di chuyển chuột đến vị trí cần chèn tấm ảnh minh họa, sau đó bấm chọn nút Image ở phía dưới khung soạn thảo.
Chương trình sẽ làm mờ màn hình soạn thảo bài viết, và bật lên một cửa sổ chứa hình ảnh để bạn chèn vào bài viết của mình. Thư mục mặc định được dùng để hiển thị ở đây là thư mục Images/stories. Cụ thể, nếu trên máy chủ AppServ, thì thư mục chứa ảnh được hiển thị là C:\AppServ\www\mobile\images\stories. Còn nếu đang chứa web trên máy chủ Byehost, thì đó là thư mục con \images\stories nằm dưới thư mục \mobile mà bạn tạo ra lúc đầu trên máy chủ. Tương tự như trong Windows Explorer, bạn có thể bấm vào tên các thư mục để chuyển vào trong các thư mục con đó, hoặc dùng nút Up để chuyển trở lên thư mục trên đó một cấp.
Để chèn một tấm ảnh đang có trong thư mục hiện tại vào bài viết, trước hết bạn cần bấm chọn vào tấm ảnh đó. Sau khi bấm chọn, bạn hãy quan sát mục Image URL, vì đường dẫn đầy đủ cũng như tên tập tin ảnh đã chọn sẽ tự động điền vào mục này. Mục Align bên cạnh dùng để bạn canh lề cho việc hiển thị ảnh là trái (Left), phải (Right) hay không cài đặt (Not set). Mục Image Description dùng để bạn điền phần nội dung văn bản mô tả cho bức ảnh. Còn mục Image Title thì dùng để chứa tiêu đề của hình. Nội dung tiêu để này sẽ hiện ra khi người đọc rê chuột vào tấm ảnh này trong bài viết của bạn. Ngoài ra, nếu thích, bạn hãy đánh dấu chọn vào ô Caption để hiển thị phần nội dung Image Title ngay dưới bức ảnh trong bài viết, mà không cần đợi người xem rê chuột đến.
Thêm ảnh vào thư mục ảnh minh họa
Nếu các hình ảnh mặc định không phù hợp, bạn có thể tải lên thêm để chèn các hình ảnh khác vào trong bài viết của mình. Trong khung Upload bên dưới cửa sổ, bạn nhấn Browse và dò theo cây thư mục trên đĩa cứng của mình để trỏ đến tập tin ảnh cần tải lên máy chủ. Sau khi chọn xong, bạn nhấn nút Start Upload. Khi hình ảnh mớ đã được tải lên hoàn tất, bạn có thể bấm chọn nó, rồi nhấn Insert để chèn, tương tự như các hình ảnh đã có sẵn.
Đơn giản hơn, nếu bạn đang làm trên máy chủ Web giả lập (localhost), thì bạn chỉ việc dùng chương trình Windows Explorer chép các hình ảnh mà bạn cần dùng làm ảnh minh họa vào thư mục C:\AppServ\www\mobile\images\stories, rồi sau đó lần lượt chọn hình và nhấn Insert để thêm vào bài viết.
Ngoài ra, nếu bạn muốn thay đổi thư mục hình ảnh mặc định mà Joomla thể hiện mỗi khi bạn cần chèn ảnh, bạn có thể làm như sau. Trước hết là mở Windows Explorer để tạo một thư mục mới, ví dụ như thư mục con baiviet trong thư mục chung của trang web là C:\AppServ\www\mobile. Sau đó, trong cửa sổ quản trị web http://localhost/mobile/administrator bạn vào menu Site, chọn mục Global Configuration. Qua thẻ System, khung Media Settings, ở mục Path to Image Folder, bạn nhập vào tên thư mục mà bạn đã tạo là baiviet. Như vậy, bắt đầu từ bây giờ, mỗi khi cần chèn hình ảnh, Joomla sẽ luôn trỏ đến thư mục baiviet như bạn mong muốn.
NHÓM MỤC ĐỒNG