Sự kết hợp giữa phong cách phim xã hội đen Trung Quốc với phim hành động cơ bắp Hollywood, dàn diễn viên Âu Á lẫn lộn, cùng kịch bản đúng nghĩa được viết để chiều lòng khán giả Á Châu; sự trở lại của xXx lần này có thể nói là mang quá đậm sức mạnh của những đồng nhân dân tệ. Nhưng bỏ qua cái lý lịch có phần hơi bất hảo, "xXx: Phản đòn" vẫn hứa hẹn sẽ mang lại những phút giây "nóng mắt" cho các fan hành động trong mùa Tết, vốn ngập tràn phim hài nhảm.

"xXx: Phản đòn", tên tiếng Anh là "xXx: Return of Xander Cage", là phần 3 về điệp viên xXx từng làm mưa làm gió vào năm 2002. Tưởng chừng như series này đã chính thức đi vào dĩ vãng với sự thất bại của xXx: State of the Union (2005), sức mạnh kim tiền của các nhà đầu tư từ Trung Quốc đã giúp điệp viên xXx một lần nữa tái xuất trên màn bạc và hoành tráng hơn bao giờ hết.

Phiên bản này cũng đánh dấu sự trở lại của nam diễn viên Vin Diesel, người đã tạo nên danh tiếng cho series xXx trước khi Ice Cube mém nữa là cho nó đóng băng trong phần 2. Trong vai siêu điệp viên Xander Cage, người tưởng chừng đã chết trong sự kiện của phần 1, Vin Diesel tái xuất mang đến những tinh tuý đỉnh cao của một anh hùng phim hành động cơ bắp đúng nghĩa: đẹp trai, mạnh mẽ, cá tính; nói chung là ăn đứt Ice Cube về mọi mặt trừ tính hài hước. Nhiệm vụ của anh là truy tìm lại chiếc hộp Pandora, thiết bị "tuyệt vời" có thể biến hơn 3000 vệ tinh trên bầu khí quyển trở thành hơn 3000 hoả tiễn bắn bất kỳ nơi đâu trên thế giới.

Ngay từ những phút đầu mình cứ ngỡ như đang xem phim xã hội đen Tàu khi hàng loạt tên của những studio/hãng phim Trung Quốc ngập tràn trên màn hình cho đến khúc cuối đoạn giới thiệu thì mới thấy Paramount (một trong 6 studio lớn nhất của Hollywood) lộ diện. 85 triệu không phải là nhiều so với mặt bằng chung của phim bom tấn Hollywood (100 triệu), nhưng thật ra khó có chuyện một hãng phim nào của Mỹ đầu tư từng ấy tiền cho một bộ phim hành động cơ bắp vốn đã qua thời hoàng kim (30 triệu là con số chuẩn mực ngày nay). Tuy nhiên khi các nhà đầu tư lắm tiền của Trung Quốc đã muốn thì cũng chẳng có lý do gì để các nhà làm phim của Hollywood không nhận cả.

Kinh phí lớn dĩ nhiên là có cái hay của kinh phí lớn. "xXx: Phản đòn" cũng giống như series "The Expendables" (Biệt đội lính đánh thuê) của Stallone trước đây, hội tụ khá nhiều ngôi sao danh tiếng. Như thay vì là những ngôi sao hành động, chúng ta có một tổ hợp tạp nham Á Âu Mỹ lẫn lộn, thậm chí có cả ngôi sao bóng đá. Lực lượng sao đông đảo và hùng hậu này về cơ bản là đánh vào thị hiếu của khán giả Á Châu thích xem thần tượng của mình trên màn bạc, vì vậy bạn cũng đừng bất ngờ khi khán giả Âu Mỹ họ chê nát tan dàn diễn viên của phim nhưng khi xem bạn vẫn thấy "thinh thích": Chân Tử Đan (vai Xiang) - dành cho ai mê phim võ thuật, Ngô Diệc Phàm (vai Nicks) - thần tượng của giới trẻ Trung Quốc, Neymar (anh vẫn là anh) - fan Barca vào điểm danh, Tony Jaa (Talon) - cái tên không thể bỏ qua của điện ảnh Thái Lan, Deepika Padukone (vai Serena) - kiều nữ Ấn Độ với thân hình bốc lửa... Bên cạnh đó là hằng hà sa số trai xinh gái đẹp "vô danh" để đáp ứng gu thưởng thức của khán giả Châu Á. Cá nhân mình thì rất thích điều này, vì về cơ bản mình cũng thích phim có nhiều ngôi sao xem cho nó sướng con mắt


Nhưng cái gì thì cũng có 2 mặt của nó, ảnh hưởng của Trung Quốc lên "xXx: Phản đòn" là quá lớn. Ngoại từ Chân Tử Đan diễn xuất ở mức chấp nhận được (trừ cảnh đầu quá ư là phô còn lại ok), tất cả những ngôi sao Châu Á được thêm vào để câu khách Á Châu đều thuộc loại tay mơ diễn đơ như cây cơ. Neymar thì là cầu thủ nên nói chung có tiền đưa mặt nói vài câu ăn tiền thì cũng có thể cho qua, nhưng Ngô Diệc Phàm với Tony Jaa thì xuất thân là diễn viên mà lại thể hiện dưới sức mình, chả khác gì diễn viên nghiệp dư. Kế đó là màn bỏ bom sao vô tội vạ như để cho đủ mặt, chả có chút logic hay ý nghĩa gì đối với nội dung phim tạo cảm giác câu khách khá rẻ tiền. Ngoài lề chút, phong cách giới thiệu nhân vật của xXx làm theo dạng của video game nên ấn tượng có thừa mà trẻ trâu cũng chẳng thiếu.

Về cơ bản thì phim hành động cơ bắp chưa bao giờ được đánh giá cao ở mảng logic, nhưng kịch bản của "xXx: Phản đòn" thì đặc biệt kém chẳng khác gì đưa cho fan cuồng viết. Chẳng biết có phải bị ảnh hưởng bởi sự kỳ vọng của các nhà đầu tư Trung Quốc hay không nhưng anh Scott Frazier cứ bung lụa nhồi nhét thật nhiều tình tiết và nhân vật vào, nhưng đến phần kết nối chúng với nhau thì ảnh lại tạch. Từ sơ sài cho đến bỏ qua luôn, phim thể hiện những tình tiết tuyến tính theo cách phi tuyến tính khiến bạn từ đầu đến cuối chẳng biết ý nghĩa và động cơ các nhân vật là gì nữa. Cách xây dựng nhân vật cũng khá hời hợt, chìm đều toàn dàn diễn viên :v

Có chê thì cũng phải có khen, kịch bản tổng thể có thể dở nhưng bản thân mỗi tình tiết thì vẫn ổn. Bạn có thích hành động? Hãy tìm đến Vin Diesel. Bạn có thích gái đẹp? Đã có dàn mỹ nhân bốc lửa. Bạn có thích bóng đá? Hãy hạnh phúc cùng Neymar. Scott Frazier khá mát tay trong việc giúp Vin Diesel thể hiện những gì mà anh xuất sắc nhất: những câu nói cực ngầu nhưng vẫn đậm sự hài hước và những pha đánh đấm đã tai sướng mắt. Kinh phí dư dả cũng giúp những pha cháy nổ hoành tráng hơn bao giờ hết, đúng cái chất phim hành động cơ bắp từng làm mưa lại gió ở thời hoàng kim của thập niên 80. Còn gái đẹp thì thuê cả dàn, với những góc quay rõ hàng ăn tiền đúng chất phim dành cho "thanh niên".

Ngặt nỗi cái chất Tàu không ít thì nhiều cũng có tiếng nói ở đây. Điểm vào giữa những pha hành động mạnh mẽ dứt khoát mang thương hiệu Mỹ, bạn sẽ bắt gặp những cảnh vừa hành động vừa múa, vừa chém gió mang thương hiệu xã hôi đen Trung Quốc. Vin Diesel thì chỉ nhiễm chút đỉnh chứ Diệp Vấn, à nhầm, Chân Tử Đan thì ôi thôi múa may quay cuồng. Tony Jaa thì có thể nói là đỉnh cao của đóng lố, la thì nhiều mà đánh chẳng bao nhiêu.

Nhưng về tổng thể thì cá nhân mình khá hài lòng với những màn hành động của "xXx: Phản đòn", xem giải trí rất ư là tốt. Ừ thì đúng là nó có lai chút múa vũ đạo nhưng vẫn rất đã mắt. Điểm cộng của phim là dù chẳng có bài nhạc chủ đề nào ra hồn nhưng nhạc nền cảnh đánh nhau thì rất đúng chất, gia tăng độ phấn khích khi xem. Cái việc rải sao thì hụt nhiều hơn là trúng, nhưng khi trúng thì cái nhân tố X nó tạo cảm giác phấn khích hơn gấp bộ phần; đặc biệt là ở khúc cuối phim có bao nhiêu hàng là đạo diễn D.J. Caruso (Shield, I am number Four, Eagle Eye) và biên kịch Scott Fazier bung sạch. Mạch phim diễn tiến cũng khá tốt với các tình huống hài hước và hành động diễn ra liên tục nên không gây cảm giác buồn ngủ, dẫu rằng nó không được logic cho lắm.
Tóm lại, "xXx: Phản đòn" là một bộ phim hành động Hollywood được làm với mục đích thu hút khán giả Châu Á, chịu ảnh hưởng khá nhiều của phong cách phim Trung Quốc. Nếu bạn không quá khó tính thì đây vẫn là tựa phim hành động đáng xem trong mùa tết, đổi chút gió trời so với dàn phim hài nhảm mà năm nào cũng ngập tràn các phòng vé dịp tết. Còn nếu bạn khó tính thì thôi đầu năm nên xoã đi, xem phim hài nhảm cho nó thoải mái :">