XPS 13 nổi tiếng vì viền màn hình mỏng, pin lâu, hiệu năng tốt, và XPS 13 2 trong 1 tiếp bước người anh của mình với màn hình cảm ứng lật xoay 360 độ. Chiếc máy tính này thực chất còn mỏng và nhẹ hơn phiên bản bình thường. Dell không chỉ lấy kiểu dáng đang thịnh hàng rồi áp vào chiếc XPS 13, họ còn phải tinh chỉnh nhiều thứ để đạt được thành quả là một thiết bị mỏng, nhẹ, không dùng quạt tản nhiệt Làm thế nào Dell đạt được thành quả đó?
Mọi chuyện bắt đầu từ Adamo XPS, một chiếc máy tính 2 trong 1 được Dell giới thiệu 2009. Thiết bị này có thiết kế rất lạ: bàn phím sẽ dựng chéo lên để tạo góc nghiêng khi mở ra, cộng với đường vát mỏng từ sau ra trước ở phần nắp máy tính. Nó trông không giống chút nào so với một cái laptop bình thường kể cả trong thời điểm hiện tại. Chưa hết, Adamo còn là máy tính mỏng nhất thế giới với độ mỏng 10.2mm vào lúc nó mới xuất hiện.

Rồi Dell tiếp tục làm XPS 12, chiếc máy tính với màn hình xoay lật ra mắt năm 2012. Khác với những thiết bị 2 trong 1 thời điểm đó, màn hình của XPS 12 xoay quanh một cái khung và có thể đạt góc xoay 360 độ đầy đủ. Nhiều người cho rằng sản phẩm này đã đi trước thời đại, mà cũng chính vì vậy nên nó đã không thành công. Hơn nữa, Dell muốn giảm kích thước viền màn hình xuống thấp nhất có thể, mà kiểu xoay của XPS 12 sẽ không cho phép họ làm điều này. Donnie Oliphant, giám đốc mảng XPS, nhận xét: "Có quá nhiều thứ cơ khí ở đây".

Dell cũng công bố XPS 11 vào năm 2013. Đây vẫn là một chiếc máy tính lai mỏng, màn hình gập 360 độ nhưng vấn đề là bàn phím phẳng hoàn toàn, không thể tạo được cảm giác gõ như bình thường.
Bài học từ 3 chiếc máy này đã được Dell tổng hợp lại khi họ tạo ra XPS 13 2 trong 1. Chiếc máy tính mới nhất mà Dell tự hào thậm chí còn mỏng nhẹ hơn so với XPS 13 bản thường: 8.1mm tại điểm mỏng nhất, trọng lượng chỉ 1,22kg. Và cũng như người anh XPS 13, XPS 13 2 trong 1 sử dụng viền màn hình siêu mỏng để thu gọn một chiếc laptop 13" xuống kích thước chỉ ngang bằng một chiếc laptop 11". Hơn hết, Dell chấp nhận hi sinh cổng kết nối (chỉ có USB-C, không có USB-A) chứ không đồng ý đánh đổi trải nghiệm với bàn phím, một thứ mà họ đã học được trừ chiếc XPS 11.

Dell đã dành 2 năm hợp tác chặt chẽ cùng với Sharp để làm ra một cái màn hình mà họ cho là hoàn hảo để dùng trên một chiếc laptop bí ẩn với tên gọi "Project Dino". Dell thậm chí còn đổ tiền cho việc phát triển tấm nền này. Ed Boyd, phó chủ tịch thiết kế sản phẩm của Dell, cho biết: "Chúng tôi không đi gặp Sharp và nói rằng chúng tôi sắp làm một cái máy tính, mấy anh có loại màn hình nào. Thay vào đó, chúng tôi nói thẳng chúng tôi muốn làm như thế này thế kia, mấy anh hãy làm đi".
Con chuột trong phòng thí nghiệm: CPU Intel Core Y-Series
Trên XPS 13 bản thường, Dell chọn dùng con chip Intel dòng U, tương tự như những cái Ultrabook khác từ chính công ty cũng như các sản phẩm đối thủ do HP, Lenovo hay Asus sản xuất. Còn trên XPS 13 2 trong 1, Dell chọn dùng Intel Core M, hay còn gọi là chip Core dòng Y. Frank Azor, tổng giám đốc bộ phận Alienware và XPS, nói: "Chúng tôi đã phải dành một sự tập trung và đầu tư đáng kể để tối ưu hiệu năng bởi vì chiếc XPS 13 2 trong 1 dùng chip Y. Chúng tôi muốn chỉnh lại tất cả những hiểu nhầm của người ta về con chip này".
Cái hiểu nhầm mà Azor đang nhắc tới chính là hiệu năng kém của dòng Core M. Theo trang Engadget, đa phần laptop dùng Core M mà họ từng thử nghiệm đều không đạt sức mạnh như kỳ vọng dù hiệu quả sử dụng điện tốt hay nói cách khác là thời gian chạy pin lâu. Tuy nhiên XPS 13 2 trong 1 thì khác, nó có hiệu năng cao hơn và tốt hơn so với các đối thủ khác, thậm chí tốt hơn cả phiên bản tham chiếu mà Intel cung cấp cho các đối tác làm PC của họ.

Màu xanh là công suất hoạt động của CPU trong XPS 13 2 trong 1, màu đỏ là công suất mặc định trong thiết kế tham chiếu Intel cung cấp cho Dell
Lý do là vì Dell đã làm việc cùng Intel để triển khai một chế độ mới tên Dynamic Power Mode, nó giúp CPU chạy lâu hơn ở hiệu năng tối đa nhờ vào hàng loạt các lần tăng xung nhịp ngắn. Bạn có thể tưởng tượng chế độ này giống như bộ đẩy ni-tơ dùng cho xe đua để tăng tốc. Cảm biến nằm trong và ngoài hệ thống sẽ giám sát, thu thập dữ liệu theo thời gian thực rồi tính toán sao cho CPU có thể chạy với sức mạnh đầy đủ trong khi vẫn cân bằng tốt yếu tố nhiệt độ và pin. Một yếu tố nữa khiến Dell XPS 13 2 trong 1 không quá lo lắng về tốc độ đó là do lựa chọn vật liệu làm máy. Dell chọn dùng sợi carbon, nó ít dẫn nhiệt hơn so với nhôm.
Trong những khoảng thời gian Dynamic Power Mode được kích hoạt, nó sẽ mang lại hiệu năng cao hơn 10% so với Dell XPS 13 bình thường vốn dùng con chip dòng U, tức là trên lý thuyết phải mạnh hơn dòng M. Tất cả những thứ này diễn ra tự động, bạn không cần can thiệp gì thêm.
Dell tiết lộ họ có một nhóm các chuyên gia ngồi nghĩ xem thế giới trong tương lai nên như thế nào, và có quy trình đủ mạnh để mang tầm nhìn đó trở thành hiện thực. Đây là điều mà Dell đã áp dụng cho XPS 13 2 trong 1 và họ tin rằng quy trình này sẽ còn hữu dụng trong thời gian tới.
Mở tung đối thủ
Không lại khi một công ty làm laptop mua sản phẩm đối thủ về rồi mở ra coi bên trong có gì. Nhưng với Dell thì họ làm việc này một cách cực kì nghiêm túc, giống như là một chuỗi sự kiện nhiều ngày và các nhân viên liên quan bắt buộc phải tham gia. "Chúng tôi không chỉ mua một đống máy về, tháo tung ra rồi học mấy cái hay. Nó là một sự kiện từ 2 đến 3 ngày với những người tham gia được lựa chọn rất kĩ, mỗi người đều có một vai trò riêng".
Từ kĩ sư, người lên kế hoạch sản phẩm cho đến nhân viên marketing, mỗi người đều cần học cái mà đối thủ làm tốt và làm thế nào Dell có thể tạo được lợi thế cạnh tranh. Đây là một phần trong quy trình "biến giấc mơ thành sự thật" mà Dell rất tự hào, và họ áp dụng nó cho mọi sản phẩm thuộc mọi thương hiệu nằm dưới sự kiểm soát của mình.
Trong một sự kiện gần đây, Dell đã tháo chiếc HP Spectre x360 (ảnh dưới), một chiếc laptop 2 trong 1 được đánh giá cao và cũng là đối thủ lớn của XPS 13. "Nó là một cái đẹp, tôi có thể nói như vậy", Azor nhớ lại. "Rõ ràng họ (HP) cũng bắt đầu dùng viền màn hình mỏng, nhưng chúng tôi không muốn đi chung con đường này. Bạn có thể làm viền mỏng ở hai cạnh trái phải nhưng rồi lại làm to cạnh dưới ra thì không đúng lắm. Một cái máy dài ra sao không quan trọng bằng việc nó cao bao nhiêu khi mở nắp ra".

Azor dẫn ra một ví dụ rất dễ thấy: khi bạn mở laptop để dùng trên máy bay, bạn đặt nó lên khay ăn, và nếu máy quá cao sẽ dễ bị cấn và không thoải mái khi làm việc. Đó là nơi mà những chiếc máy nhỏ như XPS 13 2 trong 1 có đất dụng võ.
Ngoài ra, Dell cũng test pin và thấy rằng chiếc XPS 13 bản thường của mình dùng được lâu hơn tới 7.5 tiếng so với Spectre x360 dù cục pin nhỏ hơn. "Họ nhấn mạnh quá nhiều vào viền mỏng mà không đầu tư vào những nơi chúng tôi nghĩ rằng sẽ mang lại lợi ích lớn cho khách hàng". Cụ thể hơn, theo phân tích của Dell, tấm nền mà hình của Spectre x360 đã không tiêu thụ điện một cách hiệu quả.
Con đường 5 năm tới
Backcasting là cụm từ mà rất nhiều nhân viên Dell đang sử dụng và nó cũng là một phần không thể tách rời trong quy trình sáng tạo của công ty. Nói ngắn gọn, backcasting cố gắng tiếp cận sát nhất với hàng vi của khách hàng trong vòng 5 năm tới và vẽ ra những gì cần làm để đạt được điều đó. "Chúng tôi có một nhóm nhỏ khoảng 12 đến 15 người và họ sẽ tìm xem những nơi nào chúng tôi có thể trở nên khác biệt. Họ sẽ rút gọn danh sách xuống còn khoảng 20-30 mảng mà chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ tạo được ảnh hưởng lớn khi ra mắt sản phẩm".
Dell còn cẩn thận tạo ra một cẩm nang với tất cả những công nghệ trong đó, từ màn hình LCD cho đến card đồ họa. Mục đích là để một người lên kế hoạch có thể chọn cái mà anh ta quan tâm, học hỏi xem xu hướng là gì rồi áp dụng vào việc đưa ra sản phẩm cho công ty. Cẩm nang này cũng là cách mà Dell tưởng tượng người ta sẽ dùng công nghệ trong 5 năm tới ra sao.
Với Dell, đây là việc cần làm vì thị trường laptop hiện tại đang quá đông đúc, ngoài ra công ty cũng muốn đem đến những giá trị mới cho cuộc sống của người dùng, những thứ có thể thật sự cải thiện trải nghiệm người dùng.