GIGABYTE AORUS RX 580 XTR là một trong những dòng card mạnh nhất sử dụng chip đồ hoạ RX 580 mới của AMD. Trong bối cảnh Vega vẫn biệt vô âm tính, đây cũng chính là lựa chọn sẽ đem lại hiệu năng cao nhất cho các bạn game thủ yêu thích đội đỏ và hài lòng khi chơi ở độ phân giải 1080p. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, các bạn hứa hẹn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm mua vì sự càn quét của các bác nông dân thời đại số chuyên cày bitcoin.

Thông số kỹ thuật
- Tên sản phẩm: GIGABYTE AORUS RX 580 XTR
- Chip đồ hoạ: RX 580
- Tiến trình sản xuất: 14 nm
- Xung nhịp: 1425 MHz (GAMING MODE)
- Bộ nhớ đồ hoạ: 8 GB GDDR5 256 bit
- Kích thước: 232 x 121 x 36
- Cổng cấp nguồn phụ: 8+6 pin
- Nguồn đề xuất: từ 500 W
- Bảo hành: 3 năm
- Giá tham khảo tại Việt Nam: khoảng 8-9 triệu đồng
AORUS RX 580 XTR (mình sẽ gọi tắt là AORUS 580 XTR để bạn dễ theo dõi) là phiên bản cao cấp nhất trong tất cả các dòng card RX 500 series của GIGABYTE. Năm ngoái có vẻ như thương hiệu Đài Loan chỉ thăm dò thị trường khi chỉ dừng lại ở dòng G1 GAMING, tương đương phiên bản AORUS RX 580 thường. Thế nhưng thành công của RX 400 series đã khiến họ trở nên tự tin và đem trở lại phiên bản siêu cao cấp XTR, tức là tương đương với dòng XTREME GAMING. So với các dòng thấp hơn, XTR được hãng ưu ái trang bị hệ thống tản nhiệt khủng, bo mạch PCB được thiết kế lại hỗ trợ ép xung và dĩ nhiên là xung nhịp cũng được đẩy sẵn lên rất cao.
Thiết kế mang đúng chất AORUS
Mạnh mẽ và đầy cá tính
Ngoài phiên bản mà mình
đánh giá trong bài viết này, GIGABYTE họ còn một phiên bản AORUS RX 580 thường nữa. Mặc dù mang tiếng là AORUS thế nhưng phiên bản thường chỉ dùng tản nhiệt WindForce 2X cũ với thiết kế không mấy ấn tượng. Trong khi đó thì AORUS 580 XTR được hãng ưu ái sử dụng tản nhiệt cao cấp đặc trưng của dòng AORUS.

Điều đầu tiên bạn sẽ thấy chính là cụm đèn LED RGB được xếp thành hình chữ X với logo chim ưng ở giữa, đặc điểm không lẫn vào đâu được của những chiếc card mang thương hiệu AORUS. So với thế hệ AORUS đầu tiên (khởi đầu bằng dòng AORUS GTX 1080 năm ngoái), GIGABYTE họ cũng không thay đổi nhiều về ngôn ngữ thiết kế với trọng tâm là sự mạnh mẽ thể hiện qua nhiều chi tiết góc cạnh. Thay đổi nhỏ là các chi tiết trắng trong thiết kế cũ đã chuyển sang màu xám, kết hợp với tông màu đen chủ đạo tạo cảm giác trầm hơn so với trước đây.
Do đây là dòng tầm trung nên bạn sẽ thấy là hãng chỉ sử dụng 2 quạt đường kính 100 mm thay vì là 3 quạt như ở các dòng khủng. Cánh quạt của AORUS có các đường vân, được thiết kế để tạo ra lượng gió nhiều hơn so với quạt truyền thống.
Một tính năng đặc biệt của riêng dòng AORUS chính là việc tận dụng luôn backplate (ốp lưng) của card để hỗ trợ tản nhiệt. Bạn sẽ thấy có một miếng đồng ở ngay chính giữa đóng vai trò rút nhiệt từ GPU để phân tán ra backplate. Hiệu quả bao nhiêu thì thật ra mình cũng chẳng biết, nhưng được cái là cũng khá độc. Tuy nhiên mình không thích lắm vị trí của logo chim ưng AORUS của RX 580 XTR nằm lệch trái. Nếu bạn sử dụng tản nhiệt khí dạng tháp phổ biến thì nó sẽ bị khuất đi rất khó nhìn. Ở dòng AORUS 1080 Ti mình đánh giá cách đây không lâu thì logo đặt bên phải rất dễ nhìn khi gắn vào thùng.
Ở trên chúng ta vẫn có logo AORUS và đèn báo hiệu FAN STOP được tích hợp LED RGB. Điểm cộng trong thiết kế năm nay là đèn FAN STOP được thiết kế lại, nhỏ gọn không làm mất đối xứng tổng thể như là ở những dòng trước. Về phần này, riêng mình đánh giá AORUS 580 XTR còn hơn cả AORUS GTX 1080 Ti về tính thẩm mỹ.
Độ hoàn thiện tổng thể của AORUS 580 XTR là rất tốt. Bạn sẽ thấy là phiến lá tản nhiệt nhôm của dòng card này được chia làm 3 khối. Vì vậy dù kích thước khá to nhưng trọng lượng cũng không quá nặng. Một điểm thú vị là trong dòng này, GIGABYTE họ sử dụng một miếng tán nhiệt bằng Nickel (hoặc đồng mạ Nickel) để rút nhiệt lên 3 ống dẫn nhiệt bằng đồng. Trong những dòng cao cấp thì hãng sử dụng miếng tán nhiệt làm bằng đồng nguyên chất không mạ.
PCB của card là loại custom được hãng thiết kế lại với linh kiện cao cấp hơn, đồng thời bổ sung thêm 1 cổng cấp nguồn 6 pin nữa bên cạnh cổng 8 pin mặc định. Điều này mở ra khả năng ép xung tốt hơn cho người dùng. Không giống như Nvidia, card AMD có thể chạy chế độ Crossfire mà không cần cầu nối đặc biệt hỗ trợ tối đa 4 card cùng lúc thay vì chỉ 2.
Chúng ta cũng có một loạt cổng kết nối gồm 1 HDMI, 3 DisplayPort và 1 DVI. Nói chung là đáp ứng đầy đủ yêu cầu ăn chơi của bất kỳ bạn game thủ nào. Về tổng thể thì tiền nào của nấy, bạn sẽ phải trả thêm một khoảng tiền nhưng đổi lại sẽ sở hữu một chiếc card ngầu hơn hẳn phần còn lại. Và dĩ nhiên không chỉ có ngoại hình, về phần hiệu năng thì AORUS 580 XTR cũng chẳng phải dạng vừa.
Hiệu năng được cải thiện nhẹ
Vẫn dành cho các game thủ hài lòng với 1080p
Để đánh giá hiệu năng của AORUS 580 XTR, mình xây dựng cấu hình như sau: CPU Core i7-7700K, main MSI Z270 GAMING M7, 32 GB (4 x 8 GB) Corsair Vengence RGB DDR4-3466, 512 GB WD SSD Black, PSU FSP Raider 650 W. Tất cả phép thử đều ở thiết lập cấu hình tối đa và không bật khử răng cưa (trừ khi mặc định có sẵn như Rise of The Tomb Raider). Lưu ý là để cho đồng bộ, tốc độ khung hình trong bảng mình sử dụng hệ số 100 (chẳng hạn như 60 fps thì trong bảng sẽ là 6000).
Kết quả benchmark về cơ bản thì cũng không có nhiều thay đổi so với người tiền nhiệm
Radeon RX 480 năm ngoái, AORUS 580 XTR tiếp tục là sự lựa chọn tuyệt vời dành cho các bạn muốn trải nghiệm game ở độ phân giải FullHD. Không chỉ dừng lại ở 60 fps, bạn hoàn toàn có thể chơi ở tốc độ khung hình trên 100 fps (Doom và Rainbox Six: Siege) để tận dụng khả năng của các màn hình tần số quét cao dành cho game thủ. Điểm benchmark TimeSpy và FireStrike Ultra cũng cho thấy AORUS 580 XTR mạnh hơn một chút so với GTX 1060 6 GB G1 GAMING.
Ở phía góc trái bạn sẽ thấy tình trạng của card khi chơi game, được lấy bằng ứng dụng MSI After Burner. Phần GPU chúng ta có lần lượt là điện năng tiêu thụ (150,7 W), nhiệt độ (66 độ), mức tải GPU (100%), mức độ quạt (45%), tốc độ quạt (1719 RPM), xung nhịp (1424 MHz). Môi trường test là phòng máy lạnh 24 độ. Các trò chơi lần lượt là Battlefield 1, Doom 2016, Rise of The Tomb Raider, Rainbow 6 Siege, 3DMark FireStrike Ultra và 3DMark TimeSpy. Ở đây mình test ở chế độ GAMING MODE, ngoài ra bạn có thể kích hoạt chế độ OC tự động đẩy xung nhịp lên 1439 MHz để tăng thêm khoảng 3-5 fps từng trò.
Khác với những dòng card của Nvidia cho phép xung nhịp boost biến thiên vượt qua cả công bố của hãng nếu nhiệt độ cho phép và chỉ giới hạn bởi hiệu điện thế, card AMD (trong trường hợp này là AORUS RX 580 XTR) luôn giữ ổn định ở mức được công bố. Và dĩ nhiên, bạn hoàn toàn có thể tự mình ép xung để đạt xung nhịp và mức hiêu năng cao hơn nữa.
Kết luận
Radeon RX 500 series thực chất chỉ là bản nâng cấp nhẹ xung nhịp so với RX 400 series. AORUS 580 XTR có thể là một trong những phiên bản mạnh nhất, nhưng nó cũng sẽ không "vượt quá mong đợi". Dòng card mới của GIGABYTE đem đến cho các bạn game thủ hài lòng với độ phân giải FullHD một lựa chọn nữa, tuy không tạo sự khác biệt lớn về hiệu năng nhưng thiết kế thì cực kỳ ấn tượng. Liệu nó có xứng đáng với số tiền bạn phải trả thêm hay không thì có lẽ còn tuỳ thuộc vào cảm nhận cá nhân của từng người.