Apple Arcade, một dịch vụ rất hay mà rẻ, dàn game thì xuất sắc hơn mức kỳ vọng ban đầu. Nhưng có một điểm mình chưa nhấn mạnh trong bài viết đó, Apple đang muốn tạo ra bước đi mang tính cách mạng thay đổi chợ game và ứng dụng App Store, chỉ bằng một khoản phí hàng tháng anh em đóng cho họ.
Đầu tiên hãy bật App Store lên và xem danh sách 50 game có doanh thu khủng nhất. Tất cả chúng đều có in app purchase cho phép mua đồ ảo bằng tiền thật để qua màn dễ hơn. 41 trong tổng số 50 game miễn phí được tải về nhiều nhất trên App Store cũng có mua đồ ảo. Thậm chí những game bắt mua về để chơi, giá từ 1 đến 8 Đô, 37 trong số top 50 game vẫn có cơ chế mua đồ ảo để hút máu người chơi. Mô hình kinh doanh này đã tồn tại từ rất nhiều năm. Ấy chính là lý do Pokemon GO hay Candy Crush Saga dù chơi free nhưng vẫn thu về cả tỷ USD doanh thu mỗi năm. Dần dà, thú vui game mobile biến tướng thành những cú quẹt thẻ để qua màn. Những nhà làm game indie với ý tưởng hay nhưng game phải mua bản quyền dần nhận ra họ không có đất sống trên mobile, nên rời đi và chuyển hết sang PC và console.
Năm 2015, tiền đề của Apple Arcade ra mắt, một mục trên App Store tên là "Pay Once and Play", nghĩa là anh em không bị hút máu thêm để chơi những game hay. Nhưng ngoại trừ những cái tên bom tấn nổi bật hẳn, những tác phẩm khác không có được thành công như mong đợi. Chính những con số cũng nói lên điều này chứ không phải suy diễn. Tháng 8/2014, 37% tổng số game trên App Store đều đến từ game mua bản quyền. Tháng trước, con số này còn có 13%. Trong tháng 8, cứ 100 game ra mắt trên App Store thì chỉ có 5 game bản quyền không hút máu. Doanh thu còn thê thảm hơn. Tháng trước, doanh thu game thu phí trên App Store chỉ chiếm 1,4%, còn lại là game miễn phí có in app purchase.
Tạo ra Apple Arcade, ông lớn xứ Cupertino chưa mong muốn sẽ thay đổi hoàn toàn những con số kể trên. Thay vào đó, họ tạo ra một sân chơi riêng cho các nhà làm game, tạo ra những tác phẩm dành riêng cho iPhone và iPad thay vì chỉ là những bản port nghèo nàn từ những cú hit có sẵn. Với cái giá 5 USD mỗi tháng cho 6 người cùng chơi, "hời" là chưa đủ để mô tả.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Những nhà làm game indie không ký hợp đồng làm game độc quyền cho Apple Arcade sẽ rơi vào tình cảnh khổ sở hơn cả trước khi Apple Arcade ra mắt. Anh em bỏ 5 Đô mỗi tháng để chơi cả trăm game hay, thì tội gì phải bỏ số tiền tương tự chỉ để mua một trò indie được phát hành trên App Store nhưng không có trong gói Arcade? Những hãng game như thế này sẽ phải tính toán rất cẩn thận, vì giờ này họ không chỉ nương nhờ App Store để kiếm sống, mà còn có nguy cơ cạnh tranh trực tiếp luôn với Apple nữa. Apple giờ đã là nhà phát hành game, chứ không còn chỉ là một công ty quản lý chợ ứng dụng.
Vẫn nói về các studio game indie. Ngay cả những ông lớn như Ubisoft, Square Enix, Konami, Capcom và Lego cũng đang làm game cho Apple Arcade. Chất lượng game của họ rất khác so với game indie, kể cả về hình ảnh lẫn sự mượt mà. Cái này kỳ thực là cải tiến chứ không phải cải lùi. Nhờ có những tác phẩm chất lượng cao, game indie cũng sẽ có môi trường để phát triển, tiệm cận những tác phẩm AAA bom tấn. Định hướng này trùng khớp với việc cố gắng tạo ra một sân chơi cho các nhà làm game không muốn hút máu người chơi, đưa sáng tạo làm mục tiêu hàng đầu.
Thêm nữa, kể cả khi game không hút máu, thì các hãng game cũng có một mục tiêu lớn hơn: Giữ chân người chơi ở trong thế giới ảo mà họ tạo ra càng lâu càng tốt. Như mình đã đề cập trong bài trải nghiệm, nó sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt chút nào với các bé, khi cha mẹ sẽ khó kiểm soát thời gian chơi game của con cái mình hơn, đơn giản vì game quá cuốn hút. Tốn tiền giờ hóa ra không nguy hại bằng tốn thời gian.
Apple Arcade: Tham vọng dẹp quảng cáo và đồ ảo trong game mobile của Apple có thành công?
Tham khảo Wired