Tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu tắt sóng 2G tại Việt Nam vào năm 2022 nhằm tiết kiệm tài nguyên quốc gia và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Năm 1999, công nghệ sóng 2G xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, khi Internet điện thoại thông minh và các dịch vụ kinh tế số phát triển bùng nổ thì mạng 2G trở nên lỗi thời, lượng người dùng ngày càng giảm mạnh trong khi gây tiêu tốn tài nguyên về phổ tần quốc gia.

Việc tắt sóng 2G không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên, chi phí vận hành cho các nhà mạng mà còn giúp thúc đẩy quá trình chuyển đối số.
Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển và đi đầu trong lĩnh vực viễn thông đều đã tắt sóng 2G từ lâu. Một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar, Singapore, Malaysia cũng đã hoặc đang trong tiến trình loại bỏ sóng 2G.
Tắt sóng 2G ảnh hưởng tới người dùng như thế nào?
Khi sóng 2G bị tắt, đa số những chiếc điện thoại cơ bản (điện thoại "cục gạch") sẽ ngưng hoạt động, không thể thực hiện các tác vụ cơ bản như nghe, gọi, nhắn tin. Đối tượng người dùng bị ảnh hưởng là những người có thu nhập thấp không đủ khả năng mua smartphone, học sinh và người già không thể và không có khả năng dùng smartphone.

Tuy nhiên, những đối tượng này cũng có nhiều sự lựa chọn khác như smartphone giá rẻ chạy Android, hỗ trợ kết nối 3G/4G giá chỉ từ 1 - 2 triệu đồng. Các nhà sản xuất cũng đã tung ra nhiều mẫu điện thoại cơ bản hỗ trợ tốt 3G, thậm chí là 4G để phù hợp với thời thế.