737 MAX đã bị đình bay từ tháng 3 sau vụ tai nạn của Ethiopian Airlines, Boeing ban đầu hứa hẹn sẽ đưa dòng máy bay này trở lại bầu trời chỉ trong vài tuần với những nâng cấp về phần mềm nhưng đến nay đã gần hết năm 2019, "ngày về" của 737 MAX vẫn xa xăm và thời hạn này liên tục bị đẩy lùi. Điều gì đang cản trở tiến tình phục hồi của 737 MAX?
Theo Bloomberg thì các thử nghiệm trong buồng mô phỏng không thành công của 737 MAX hồi tháng 6 đã buộc Boeing phải thiết kế lại phần mềm, từ đó khiến thời điểm trở lại bầu trời của dòng máy bay này bị kéo dài.
Ban đầu Boeing cho biết hãng có thể phát triển và áp dụng bản vá phần mềm mới vào hệ thống MCAS trong vòng vài tuần. Sau đó Boeing công bố lùi lại vài tháng để có thể kiểm tra hoàn toàn và chuẩn hóa phần mềm.
MCAS là gì? Nó là một phần mềm được Boeing thiết kế để tự động điều chỉnh trạng thái các cánh trên 737 MAX nhằm bù trừ cho đặc tính "dễ bốc đầu" của 737 MAX. 737 MAX có động cơ mới, lớn hơn và vị trí đặt động cơ cũng khác hẳn so với các dòng 737 cũ thành ra chiếc máy bay này có xu hướng nâng mũi lên cao và ở góc tấn lớn (như khi cất cánh) thì nó càng dễ bị thất tốc mất lực nâng, lúc này MCAS sẽ can thiệp, tự động điều cánh ổn định ngang để đưa mũi máy bay xuống.
Tuy nhiên hồi tháng 6, khi các kỹ sư Boeing gần như hoàn thiện thiết kế bản vá phần mềm mới thì các phi công thử nghiệm của Boeing đã bước vào buồng mô phỏng để bay thử. Kết quả là một sự cố máy tính trong buồng mô phỏng khiến máy bay chúi mũi mất kiểm soát giống như trạng thái của 2 chiếc 737 MAX 8 trong 2 vụ tai nạn.
Hoạt động tái thiết kế phần mềm cũng dẫn đến sự chậm trễ trong việc có được giấy phép bay từ FAA cũng như các cơ quan quản lý hàng không toàn cầu. Họ đang xem xét từng thay đổi trên phần mềm của 737 MAX một cách kỹ càng hơn và yêu cầu Boeing phải cập nhật thông tin thường xuyên.
Bản sửa lỗi ban đầu tập trung vào hệ thống MCAS nhưng sau vụ tai nạn thứ 2 thì vấn đề đã được mở rộng, chẳng hạn như cách phi công phản ứng với nhiều báo động trong buồng lái và điều gì sẽ xảy ra trong các tình huống khẩn cấp phổ biến lẫn hiếm gặp.
Trong thử nghiệm khiến Boeing quyết định thiết kế lại kiến trúc máy tính, Boeing đã kiểm tra khả năng hoạt động của 737 MAX trong tình huống các tia gamma từ không gian làm hỏng dữ liệu trên hệ thống điều khiển chuyến bay - một tình huống rất hiếm khi xảy ra nhưng đây là thứ mà Boeing muốn giải quyết nhằm chứng minh độ an toàn của 737 MAX trước các nhà quản lý.
Mặc dù 737 MAX có 2 máy tính, một chiếc điều khiển các hệ thống kiểm soát chuyến bay, chiếc còn lại ở trạng thái chờ và chỉ hoạt động khi chiếc kia hỏng thì giờ đây, Boeing tái cấu trúc để khiến cả 2 giám sát lẫn nhau. Thiết lập ban đầu được xem là lỗi thời, vay mượn từ các thế hệ 737 cũ và lần thay đổi này phù hợp với xu hướng thiết kế máy bay hiện đại hơn. Hy vọng Boeing đã có được bài học lớn và hãng sẽ đưa 737 MAX trở lại và trở thành "một trong những dòng máy bay an toàn nhất thế giới" theo cam kết của John Hamilton - giám đốc kỹ thuật Boeing:
Tại sao Boeing 737 MAX đến nay vẫn chưa thể trở lại bầu trời?
Theo: Business Insider