Thiết kế của Keychron K4 chỉ đơn thuần là một phiên bản kéo dài của K2. Bàn phím dày, vỏ nhựa hoặc nhôm tùy chọn nhưng phần vỏ này vẫn làm bằng nhựa và xử lý sần. Mình nghĩ phiên bản này vẫn chưa hoàn thiện nên chế tạo của nó chưa được ngon như phiên bản K2 lần trước. Tuy nhiên nó vẫn rất chắc chắn, không ọp ẹp dù cầm rất nhẹ. Keychron vẫn cung cấp tùy chọn vỏ nhôm cho dòng bàn phím này.

Bên dưới bàn phím vẫn có 2 chân chống có feet cao su chống trượt và khi mở cho độ nghiêng khoảng 8,5 độ. Tuy theo thói quen đặt tay gõ phím mà chúng ta có thể điều chỉnh độ nghiêng sao cho thoải mái và đỡ mỏi nhất. Mình vẫn thích mở góc nghiêng còn nếu đặt phẳng thì sẽ cần đến miếng kê tay.

Phương thức kết nối của K4 tương tự K2, bên cạnh trái của bàn phím có 2 nút gạt, một nút sẽ chuyển đổi kết nối gồm Bluetooth - Off - Có dây và nút còn lại sẽ cho phép chuyển nhanh layout giữa Windows/Android và Mac/iOS rất tiện.

Chúng ta sẽ có thể kết nối với 3 thiết bị và chuyển đổi nhanh giữa các thiết bị qua tổ hợp Fn 1 hoặc 2 hoặc 3. Mình đã kiểm tra nhanh tốc độ chuyển đổi qua lại giữa một chiếc laptop Windows và một chiếc MacBook, thời gian kết nối mất tầm 2 giây.

Hãng đã bổ sung 2 đèn báo trạng thái cho pin bên (trái) và kết nối (phải). Khi pair thì đèn phải sẽ nhấp nháy dễ thấy hơn so với dùng đèn dưới phím 1 2 3 như trên K2.

Keychron K4 dài hơn K2 do nó dùng layout 96% - 96 phím trong khi K2 là 84% - 84 phím. Layout 96 này cũng ít phổ biến, nó được sinh ra nhằm giải quyết vấn đề của cụm phím số trong khi vẫn khiến cho chiếc bàn phím cơ gọn gàng hơn. Thay vì dành nhiều không gian cho cụm phím số như layout Full-size tiêu chuẩn thì cụm phím này được đưa vào sát với cụm phím chính.

Các phím điều hướng như lên xuống qua lại cũng như các phím Home/End/PageUp/Down được đưa lên phía trên cụm phím số thành một hàng. Từ đó nếu so với bàn phím full-size thì layout 96% vẫn có đầy đủ các phím chính.

Phím số đối với nhiều người là yếu tố bắt buộc, chẳng hạn như những người làm kế toán, công việc liên quan đến con số nhiều và cần sự chính xác khi nhập liệu. Mình thì không sử dụng phím số nhiều nhưng đôi khi đụng chuyện cảm thấy rất cần, nhất là khi nhập dữ liệu vào bảng tính. Vậy nên K4 là sự bổ sung cần thiết cho K2.

Layout 96% của K4 khá thoáng, dễ làm quen nhưng cũng có hạn chế ở cụm phím điều hướng - nó nằm giữa cụm phím chính và phím số thành ra mỗi khi tìm bấm phải nhìn vào phím để định vị.

Về phần keycap, K4 vẫn có thiết kế keycap y hệt K2 với các keycap kiểu ergonomic, bề mặt võng để ôm đầu ngón tay. Chất liệu chế tạo keycap vẫn là nhựa ABS khá mỏng, ký tự được khắc laser sắc nét, xuyên LED giúp ánh sáng đèn đi lên đẹp và nhẹ nhàng hơn. Anh em hoàn toàn có thể chơi keycap trên K4. Chiếc K2 trước đây mình gắn một set keycap của Taihao vào, gõ ổn hơn hẳn.


Cũng lưu ý là K4 sẽ có những phím dành riêng cho Mac ở hàng phím trên cùng cũng như các phím control, command, option. Keychron thường tặng các keycap thay thế cho 3 phím này nếu anh em dùng với Windows.

Điểm thú vị nhất trên chiếc K4 mình mượn được là nó sử dụng switch quang học. Kể từ phiên bản này thì Keychron đã bổ sung các tùy chọn switch mới. Bên cạnh Gateron Blue (clicky, tactile, 60g), Brown (tactile, 55g) và Red (linear, 45g) thì sẽ có thêm Gateron Yellow (linear, 50g) dành cho những ai thích cảm giác gõ nặng tay hơn mà vẫn êm, ít tiếng như Red. Đặc biệt nhất là 2 loại switch quang học Optical Blue và Red, có lẽ là do Flaretech sản xuất.

Switch quang học là một xu hướng mới trên bàn phím cơ bởi nó được cho là có độ bền lớn hơn so với switch cơ học truyền thống nhờ không có tiếp xúc giữa các thành phần kim loại với nhau để nhận tín hiệu - đây cũng là thứ qua thời gian sẽ bị mòn đi, ảnh hưởng đến tín hiệu và tuổi thọ switch. Nhìn qua switch này thì mình nghĩ nó giống với switch quang trên Razer Huntsman Elite. Bên trong switch sẽ có một hệ thống phát và thu tín hiệu hồng ngoại. Ở trạng thái nghỉ, keystem hay lõi của switch sẽ cản tia hồng ngoại này khiến nó không thể đến được đầu nhận. Khi nhấn xuống, phần khoét lỗ trên keystem sẽ để tia lọt qua, từ đó tín hiệu được ghi nhận. Hành trình của switch vẫn là 4 mm bottom-out (nhấn hết phím) nhưng điểm kích hoạt của nó chỉ ở 1,8 mm - 0.5 mm, như vậy điểm kích hoạt sớm hơn so với 2 mm - 0.6 mm của các loại switch cơ học thông thường.

Trong khi đó, switch Optical Blue vẫn có các đặc tính của dòng Blue truyền thống như có lưỡi gà tạo tiếng clicky và khấc phản hồi tactile nhưng lực nhấn kích hoạt lại nhẹ hơn, ở 50g thay vì 60g như Blue của Gateron hay Blue Cherry. Phiên bản Optical Red cũng vậy, nó có lực nhấn chỉ 40g và cũng là switch linear nhấn xuống trơn tuột.

Cảm giác gõ trên Optical Blue rất đã tay và dòng switch này cân bằng giữa gõ phím và chơi game bởi nó không quá nặng để gây mỏi tay khi gõ phím nhiều và lại rất linh hoạt khi chơi game bởi chỉ cần nhấp nhẹ là dính. Cảm giác gõ sẽ khác biệt rất lớn tùy theo loại switch nên anh em cần phải lưu ý chọn loại switch phù hợp. Đó là chưa kể đến chuyện tiếng ồn và tác động của nó đối với môi trường sử dụng nữa


Chiếc K4 mình xài có đèn RGB - một thứ mình không ham hố mấy trên một chiếc bàn phím không dây như vậy, dĩ nhiên sẽ có những anh em thích đèn màu mè. Nó vẫn có một nút riêng để chuyển hiệu ứng đèn và có thể tăng giảm độ sáng đèn hay tắt hẳn. Ngoài phiên bản RGB thì Keychron cũng cung cấp tùy chọn đèn LED trắng, nó luôn có giá rẻ nhất.

Pin tích hợp trên K4 có dung lượng đến 4000 mAh, sạc qua cổng USB-C khoảng 3 tiếng là đầy pin. Hãng cho biết nếu sử dụng nhiều và không bật đèn thì thời lượng có thể lên đến 5 tuần, nếu bật đèn thì tối đa được 80 giờ tùy cường độ sử dụng và độ sáng.
Cảm ơn SiliconZ đã cho mình mượn sản phẩm này và anh em quan tâm có thể vào đây để đặt trước.