Sự khác biệt về chất lượng hình ảnh giữa TV sáng hơn hay tối hơn là rất đáng để xem xét.
Có rất nhiều thương hiệu TV để bạn lựa chọn, tuy nhiên, tất cả TV trên thị trường hiện nay đều được chế tạo dựa trên công nghệ LCD hoặc OLED. Điểm khác biệt đó là TV LCD sử dụng đèn nền LED – nên thường gọi tắt là TV LED, còn TV OLED hoàn toàn không sử dụng đèn nền do các điểm ảnh có thể tự phát sáng và bật/tắt độc lập.
Công nghệ OLED với độ tương phản vô tận và màu đen tuyệt đối tỏ ra vượt trội hơn hẳn so với TV LCD LED do TV OLED kiểm soát được độ sáng của từng điểm ảnh. Để đáp trả, các nhà sản xuất TV LCD LED tăng độ sáng màn hình lên, nhằm mang đến cảm giác hình ảnh có độ tương phản cao hơn khi xem.
Sáng hơn không có nghĩa là tốt hơn
Các TV OLED hiện nay có độ sáng trong khoản từ 500 – 1000 nit, còn những chiếc TV LED đắt tiền nhất có độ sáng lên tới 2000 – 3000 nit. Về con số, chắc chắn TV LED đang có nhiều lợi thế so với TV OLED. Tuy nhiên, ở góc độ kỹ thuật, độ sáng của TV LED không mang nhiều ý nghĩa trong quá trình sử dụng.
Theo Geoffrey Morrison, biên tập viên kỳ cựu chuyên đánh giá TV cho tạp chí CNET, Forbes, The New York Times, The Wirecutter, Sound&Vision… thì TV sáng hơn không có nghĩa là chất lượng hình ảnh sẽ tốt hơn, thậm chí TV càng sáng thì màu sắc càng thiếu chính xác.

Geoffrey Morrison cho rằng, hơn cả độ sáng và độ phân giải, yếu tố quan trọng nhất cho chất lượng hình ảnh luôn là độ tương phản và độ chính xác của màu sắc. Một chiếc TV có độ sáng cao, nhưng độ tương phản thấp thì TV đó vẫn có chất lượng hình ảnh tệ hại. Thậm chí, một chiếc TV 8K có độ tương phản thấp cũng không thể sánh được với một chiếc TV 4K có độ tương phản cao khi đặt cạnh nhau.
Trong thực tế, độ sáng của TV mà người xem cảm nhận được sẽ phụ thuộc vào màu đen tham chiếu, màu đen càng sâu thì độ sáng mà mắt cảm nhận được càng cao. Điều này giống như khi bạn đặt một ngọn nến trong phòng tối, mắt sẽ cảm thấy chói chang hơn so với khi đặt ngọn nến trong phòng sáng.

Trong các bài đánh giá về khả năng xem phim HDR của tạp chí uy tín Rtings và CNET, nơi mà việc cảm nhận độ sáng màn hình trở nên vô cùng quan trọng, các dòng TV OLED của LG với độ sáng chỉ vài trăm nit vẫn dễ dàng đánh bại các dòng TV LED đắt tiền với độ sáng hàng ngàn nit.
Nguyên nhân là khi tăng độ sáng màn hình, đèn nền LED cũng sáng lên, làm cho màu đen TV LED bị nhạt đi và dải động (Dynamic Range) của hình ảnh HDR cũng sẽ bị giảm. Còn với TV OLED, do không sử dụng đèn nền nên việc tăng hay giảm độ sáng màn hình cũng không ảnh hưởng tới màu đen tuyệt đối, và dải động của HDR luôn được giữ nguyên.
Màu đen quyết định tất cả
Theo Geoffrey Morrison, độ tương phản quyết định chất lượng hình ảnh không phải là ý kiến của cá nhân ông, mà là tiêu chuẩn được thiết lập bởi mọi cá nhân và tổ chức đánh giá TV chuyên nghiệp như Quỹ khoa học hình ảnh (Imaging Science Foundation).
Độ tương phản của TV được tính bằng tỷ lệ giữa độ sáng cao nhất khi thể hiện màu trắng và độ sáng thấp nhất khi thể hiện màu đen. Trong đó, màu đen đóng yếu tố quan trọng, bởi màu đen càng xuống thấp thì độ tương phản càng tăng lên theo cấp số nhân.

Theo các bài kiểm tra chuyên nghiệp của tạp chí Rtings, do đèn nền ở dưới màn hình TV LED luôn sáng, nên màu đen nhận được không sâu, với độ sáng có thể lên tới một vài nit. Còn với TV OLED, khi cần tạo màu đen, điểm ảnh chỉ cần tắt hoàn toàn và độ sáng khi thể hiện màu đen đo được là 0 nit.
Các biên tập viên giàu kinh nghiệm của Rtings cho rằng, màu đen quyết định đến độ tương phản và độ tương phản sẽ quyết định đến chất lượng hình ảnh của TV. Do đó, khi lựa chọn TV, bạn cần chắc chắn rằng màu đen và độ tương phản của nó thực sự là tốt nhất.

Với số liệu ở trên, hoàn toàn logic và khoa học khi nói rằng, TV OLED có màu đen tuyệt đối và độ tương phản vô hạn. Trong khi đó, TV LED mặc dù có độ sáng rất cao, nhưng đi kèm với điều đó là màu đen sẽ trở nên nhạt hơn và độ tương phản cũng sẽ bị giảm theo cấp số nhân.
Ngoài ra, trong các bài test của Rtings, những dòng TV sử dụng đèn nền LED có độ sáng cao đang phải đối mặt với độ đồng đều màu đen, hiện tượng loang lổ màn hình và hở sáng. Đây là điều mà bạn có thể tránh được nếu sử dụng các dòng TV OLED không có đèn nền.