Hải quân Hoa Kỳ liệu có đang hồi sinh một ý tưởng có từ thập niên 30 của thế kỷ trước - một hàng không mẫu hạm bay, dạng khí cầu, mang theo máy bay không người lái!
Trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Proceedings - một tạp chí chuyên đề của viện nghiên cứu hải quân Hoa Kỳ, nhà báo Kyle Mizokami lập luận rằng hạm đội Mỹ nên xem xét việc sử dụng các khí cầu lớn, đóng vai trò là tàu sân bay cho các máy bay không người lái. Về cơ bản đây sẽ là một thứ cải tiến từ khí cầu lớp Akron khi xưa và nó sau cùng sẽ có thể bổ sung cho các tàu sân bay trên biển trị giá hàng tỉ đô hiện tại.
![]()
Lật lại quá khứ, vào cuối những năm 1920, Hoa Kỳ đã chế tạo 2 khí cầu vỏ cứng thuộc lớp Akron là USS Akron và USS Macon. Chúng được đưa vào biên chế Hải quân Hoa Kỳ vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước và được thiết kế là nền tảng trinh sát và tuần thám, được ví như "một con mắt của hạm đội". Năng lực của các khí cầu này còn được mở rộng với vai trò như một hàng không mẫu hạm - mang theo một phi đội máy bay nhỏ có thể sử dụng để mở rộng phạm vi thám thính kiêm phòng vệ cho khí cầu trước các mối đe dọa trên không.
Trong một cuộc diễn tập vào năm 1932, USS Akron xuất phát từ căn cứ ở New Jersey đã phát hiện thành công tàu tuần dương hạng nhẹ USS Raleigh và một tá tàu khu trục khác cũng như có thể xác định chính xác vị trí của các tàu ở chân trời phía đông chỉ trong vòng 2 phút sau đó.
Sử gia Richard Smith nói rằng: "Xét về điều kiện thời tiết, thời gian bay, đường bay đến hơn 3000 dặm (hơn 4800 km, USS Akron có tầm hoạt động đến 11000 km), cả những khiếm khuyết về vật liệu chế tạo và đặc tính thô sơ của hệ thống định hướng trên không vào thời điểm đó thì hiệu quả của khí cầu Akron rất đáng chú ý. Vào năm 1932 thì không một máy bay quân sự nào trên thế giới có thể mang lại hiệu quả tương tự nếu xuất phát từ cùng một căn cứ."
Tuy nhiên, tàu Akron đã rơi vào năm 1933 làm 73 người thiệt mạng. Chị em với nó là USS Macon cũng rơi vào năm 1935 làm 2 người chết. Hoa Kỳ sau đó đã từ bỏ khí cầu và chuyển sang khai thác tàu sân bay trên biển. Dù vậy, Hải quân Hoa Kỳ vẫn có thể xem lại ý tưởng tàu sân bay trên không. Mizokami lập luận:
![]()
"Một chiếc khinh khí cầu bay cao, được trang bị các cảm biến và khả năng kết nối có thể đến đích nhanh hơn so với một tàu sân bay trên biển và cũng có thể lưu lại vị trí trong vòng vài ngày hoặc vài tuần mỗi lần. Khí cầu có thể mang theo một đội vài chục máy bay không người lái, mỗi chiếc được trang bị radar, các loại cảm biếm để mở rộng năng lực cảm biến của tàu mẹ và hạm đội trên mặt biển. Những máy bay không người lái cũng có thể mang theo nhiều loại vũ khí để đối phó với tàu mặt, tàu ngầm, các loại máy bay bay thấp hơn như trực thăng và các mục tiêu trên đất liền.
Khí cầu tấn công sẽ không thay thế các tàu chiến mặt biển truyền thống mà sẽ đóng vai trò tăng cường, cung cấp một dạng hỏa lực phân tán cho hạm đội và hỗ trợ cho Thủy quân lục chiến lẫn binh lính trên mặt đất. Những chiếc khí cầu có thể dò quét các vùng biển lớn nơi ít có nguy cơ đối mặt với kẻ thù nhưng cũng có thể được bảo vệ bởi các cảm biến hay được trang bị vũ khí. Như vậy đội tàu mặt sẽ có thể cải thiện năng lực nhận biết tình huống và tăng cường khả năng tác chiến chống ngầm từ trên không."
Lầu Năm Góc trong những năm qua đã thử nghiệm khí cầu để thực hiện các nhiệm vụ vận tải và giám sát. Một số nguyên mẫu khí cầu đã được thử nghiệm nhưng chưa chiếc nào được khai thác chính thức bởi các lực lượng quân sự.
![]()
Hồi năm 2005, Hải quân Hoa Kỳ đã mua lại chiếc khí cầu Model A-170 của American Blimp và chuyển đổi thành khí cầu quân sự với tên gọi MZ-3A. Chiếc khí cầu này dài 54,2 m, bay ở vận tốc tối đa 74 km/h. Nó cũng dùng khí heli và hiệu năng vận hành cực tốt ở độ cao thấp tức chỉ cách mặt đất tầm vài trăm mét.
Hạn chế về kích thước lẫn khí động học hóa ra lại là ưu điểm của khí cầu. Theo nhận định của Doug Abbots - phát ngôn viên của Bộ chỉ huy hệ thống không quân hải quân: "Một chiếc khí cầu sẽ có thể mang lại lộ trình phát triển nhanh và phù hợp hơn so với lộ trình của máy bay cánh bằng hay cánh xoay thông thường. Ngoài ra, khí cầu cũng mở rông khả năng phát triển các giải pháp cảm biến khẩu độ lớn, đa chiều, đa cảm biến mà những nền tảng bay khác khó có thể đáp ứng về mặt vật lý."
Vào năm 2010, khí cầu MZ-3A đã được triển khai đến Alabama để hỗ trợ dọn dẹp sau sự cố tràn dầu Deepwater Horizon. Kể từ năm 2006 đến 2012, Hải quân Hoa Kỳ đã chi khoảng 3,6 triệu đô bao gồm cả tiền mua lại và thực hiện các nhiệm vụ với MZ-3A.
Năm 2013, MZ-3A được cho nghỉ, Abbotts cho biết "Nó đang được cho xì hơi." "Không phải là chúng tôi thiếu kinh phí mà chúng tôi thiếu các nhiệm vụ để dùng đến nó." Hải quân đang đầu tư vào các loại drone thăm dò bay cao, F-35B STOVL và nhiều loại máy bay có thể phóng thẳng đứng khác với đặc tính có thể triển khai trên nhiều loại tàu đổ bộ.
![]()
Mình liên tưởng đến Carrier của Protoss trong Starcraft - hàng không mẫu hạm bay thả ra máy bay không người lái Interceptor.
Mizokami vẫn không nản lòng về ý tưởng của mình khi cho rằng: "Sau 100 năm qua thì hàng không hải quân đã chứng kiến nhiều thử nghiệm đến và đi. Một số thử nghiệm như máy bay chiến đấu phóng từ biển đã chìm vào quên lãng nhưng một số khác như hàng không mẫu hạm bay có thể trở lại và tạo ra bước ngoặt mới. Tương lai của hàng không mẫu hạm vẫn đảm bảo nhưng hạm đội trong tương lai gần như chắc chắn sẽ đi cùng với các nền tảng khác, phản ánh sức mạnh không quân theo những cách mới và sáng tạo hơn.
Theo: National Interest
Khóa đào tạo Power BI phân tích báo cáo để bán hàng thành công
KHÓA HỌC LẬP TRÌNH PYTHON TỪ CƠ BẢN ĐẾN CHUYÊN NGHIỆP