Mùa hè không chỉ mang đến cái nắng nóng oi bức mà còn có cả tia cực tím với những tác hại mà chúng có thể gây ra đối với sức khỏe của con người. Khi tiếp xúc nhiều với tia UV, làn da của bạn dần bị sạm đen do cháy nắng và lão hóa bởi những vết nhăn. Nguy hiểm hơn, tia cực tím cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ bị ung thư da của người trưởng thành.
Để việc theo dõi chỉ số tia UV trở nên đơn giản và thuận tiện hơn, những nhà phát triển nội dung số đã thiết lập một ứng dụng có thể xem chỉ số tia cực tím cho thời điểm hiện tại ngay trên các thiết bị di động Android. Vậy, cụ thể cách sử dụng ứng dụng này như thế nào? Hãy cùng Quantrimang tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.
1. Tia UV là gì?
Tia UV (hay còn được gọi với những cái tên như tia tử ngoại, tia cực tím, ultraviolet) là một loại sóng điện từ mà con người không nhìn thấy được. Tia cực tím được phân thành 3 loại tia khác nhau: tia UVA, tia UVB và tia UVC.
Như vậy, bên cạnh mặt tích cực mà tia UV có thể đem lại (như giúp cơ thể tổng hợp vitamin D; được sử dụng để khử trùng nước, không khí;...), tác hại của tia cực tím đối với con người là không thể bàn cãi. Vì vậy, việc quy ước một chỉ số có thể đo lường ngưỡng nguy hiểm của tia tử ngoại là một điều cần thiết để giúp chúng ta có thể hạn chế những tác hại mà loại sóng điện từ này có thể gây ra cho mình.
2. Chỉ số tử ngoại (chỉ số UV) là gì?
Chỉ số tử ngoại (còn có tên gọi khác là chỉ số UV) là một chỉ số đo lường cường độ bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời tới một vị trí và thời điểm cụ thể nào đó.
Mục đích của việc đo lường chỉ số này là để người dân tự bảo vệ mình trước những tác hại của tia UV. Chỉ số UV có tất cả 5 cấp độ ứng với nguy cơ gây hại của tia cực tím đối với cơ thể người từ ngưỡng thấp, trung bình tới cực cao.
Cụ thể các cấp độ của chỉ số tử ngoại được thể hiện ở bảng minh họa dưới đây:
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu chỉ số UV đạt mức dưới 3 (tức cấp độ xanh lá cây), lượng bức xạ mặt trời đang ở mức thấp, ít gây hại đến con người.
Với chỉ số tử ngoại từ mức 8 trở lên (tức từ cấp độ đỏ trở lên), đây có thể coi là ngưỡng tia UV đặc biệt gây nguy hiểm cho con người. Bạn cần trang bị đầy đủ các vật dụng cần thiết để bảo vệ mình khi ra ngoài đường như: Đeo găng tay chống nắng, đeo kính râm, thoa kem chống nắng, đội mũ rộng vành, sử dụng viên uống chống nắng, tránh ra đường trong khoảng thời gian giữa trưa,...
>>> Tìm hiểu thêm: Tia UV là gì? Mức UV như nào thì an toàn đối với con người?
3. Cách xem chỉ số UV đơn giản trên điện thoại Android
Bạn muốn biết chỉ số UV trong ngày hôm nay là bao nhiêu ngay trên chiếc điện thoại di động của mình? Quantrimang xin giới thiệu tới bạn một ứng dụng có thể giúp bạn thực hiện công việc này một cách đơn giản, thuận tiện: UVLens.
>>> Để theo dõi chỉ số UV hôm nay trên điện thoại iPhone (nền tảng iOS) và trên trình duyệt web máy tính, bạn có thể tham khảo thêm các bài viết tổng hợp sau:
Ứng dụng UVLens sử dụng GPS để xác định vị trí của bạn, sau đó hiển thị các thông tin về chỉ số tử ngoại thời điểm hiện dại, nhiệt độ trong ngày (hỗ trợ hiện thị độ C và độ F) và đưa ra dự báo về chỉ số UV trong ngày hôm sau.
Dưới đây là hướng dẫn cách cài đặt và xem chỉ số tử ngoại trên ứng dụng UVLens:
- Bước 1: Bạn truy cập Google Play (Cửa hàng Google) trên thiết bị điện thoại của mình để tải ứng dụng.
- Bước 2: Bạn mở UVLens và cho phép ứng dụng quyền truy cập vào vị trí của bạn.
- Bước 3: Trên màn hình khởi động, bạn nhấn vào "Get Started" để bắt đầu sử dụng ứng dụng.
- Bước 4: Màn hình ứng dụng sẽ hiển thị những thông tin về chỉ số UV, nhiệt độ, khoảng thời gian tia UV hoạt động mạnh cùng dự báo về mức độ hoạt động của tia tử ngoại trong ngày hôm sau.
Để điều chỉnh thang đo nhiệt độ từ độ F sang độ C, bạn nhấn vào tag "Setting", chọn mục "Temperature Units (Degrees Celsius)".
Để mở chế độ hiển thị chỉ số UV của ứng dụng, bạn kích hoạt tùy chọn "UV Index" trên tag "Setting".
Ngoài ra, còn nhiều tính năng thú vị khác của ứng dụng đang chờ bạn khám phá. Hãy cùng Quantrimang tìm hiểu thêm qua bài viết: "Ứng dụng UVLens - bảo vệ bạn khỏi tia UV có hại" nhé!
Hy vọng những chia sẻ vừa rồi của Quantrimang có thể giúp bạn tự bảo vệ mình khỏi tia cực tím khi ra ngoài đường vào mùa hè. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!